Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi): Quy định cụ thể về những nội dung bảo vệ người tố cáo

Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) đã bổ sung một Chương về xử lý hành vi vi phạm, trong đó xác định rõ nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm; áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, người có trách nhiệm tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo…

Xác định rõ nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo

Theo Tờ trình về Dự án Luật tố cáo (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng gửi Bộ Tư pháp thẩm định, hiện nay, về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có một số văn bản quy định như: Luật cán bộ, công chức, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/04/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/72016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Luật tố cáo đã có một số quy định mang tính nguyên tắc về xử lý hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý theo quy định Luật tố cáo còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế vì chưa quy định rõ ràng, thiếu các biện pháp chế tài cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể trong quá trình giải quyết tố cáo khi có những hành vi vi phạm pháp luật như: cố tình không giải quyết tố cáo, vi phạm thời hạn giải quyết tố cáo, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc giải quyết, cố tình tố cáo sai sự thật, mạo danh người khác để tố cáo…

Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn

Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung Chương IX về xử lý hành vi vi phạm (từ Điều 60 đến Điều 65). Trong đó đã xác định rõ nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm; áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, người có trách nhiệm tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo; áp dụng hình thức xử lý đối với người tố cáo.

Cụ thể, quy định cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật; nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, thành viên của tổ chức chính trị xã hội có hành vi vi phạm pháp luật bị áp dụng hình thức kỷ luật hành chính thì còn bị xử lý kỷ luật đảng, xử lý kỷ luật theo quy định của tổ chức chính trị xã hội.

Cụ thể, áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi gây khó khăn, phiền hà, cản trở đối với việc thực hiện quyền tố cáo của công dân; Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người bị tố cáo; Cố tình vi phạm quy định về thời hạn giải quyết tố cáo.

Hình thức kỷ luật cảnh cáo khi tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo…

Bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo

Cũng theo Tờ trình về Dự án Luật tố cáo (sửa đổi), Luật tố cáo bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa cụ thể, khó thực hiện, chưa tạo nên thiết chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Trên cơ sở kế thừa các quy định về bảo vệ người tố cáo của Nghị định số 76/2012/NĐ-CP, dự thảo Luật đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, bên cạnh một số quy định chung về bảo vệ người tố cáo, dự thảo Luật quy định cụ thể về những nội dung bảo vệ người tố cáo như: bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ tài sản, bảo vệ uy tín danh dự, bảo vệ vị trí công tác việc làm của người tố cáo.

Đối với người tố cáo, dự thảo Luật quy định các quyền cho người tố cáo như: Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo; được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập; được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định người tố cáo có các nghĩa vụ: nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; phối hợp với cơ quan giải quyết tố cáo khi có yêu cầu, bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra…

Nguồn www.dangcongsan.vn