Tín dụng Ngân hàng: Động lực phát triển kinh tế tỉnh nhà

(NTO)  Ngay từ đầu năm 2016-năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, ngành Ngân hàng tỉnh ta đã xác định các mục tiêu trọng tâm, đó là bảo đảm các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, phát huy vai trò tích cực trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm an sinh xã hội địa phương. Phấn đấu huy động vốn tăng tối thiểu 15% so với năm 2015, đầu tư tín dụng tăng 18-20% với cơ cấu tín dụng tập trung cho sản xuất, kinh doanh, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Vậy kết quả ra sao?

 

Anh Nguyễn Văn Nhánh,thôn Long Bình 1 (xã An Hải, Ninh Phước) chăm sóc vươn nho.

Theo thông tin từ Chi nhánh NHNN tỉnh, tính đến ngày 31-12-2016, tổng vốn huy động của các Ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đạt trên 9.400 tỷ đồng, tăng 14,2%. Dư nợ tín dụng đạt hơn 14.970 tỷ đồng, tăng 2.490 tỷ đồng (tăng 19,95%) so với cuối năm 2015, vượt 10,6% kế hoạch năm. Trong đó, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng trọng điểm tăng khá như đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 4.250 tỷ đồng/39.900 lượt khách hàng còn dư nợ, tăng 856 tỷ đồng (tăng 25,2%); cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ được 18 dự án, với tổng số tiền 111,65 tỷ đồng, đã hạ thủy đưa vào khai thác 13 dự án; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 và 61 của Chính phủ trên 30,1 tỷ đồng/87 khách hàng; cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách với tổng dư nợ đạt 1.580 tỷ đồng/92.350 khách hàng, tăng 199 tỷ đồng (tăng 14,41%) so với cuối năm 2015.

Để đạt được kết quả và các mục tiêu nêu trên, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các TCTD trên địa bàn triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp như tập trung huy động vốn, đầu tư tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Tích cực triển khai các giải pháp huy động vốn tại chỗ trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất của NHNN, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Đầu tư tín dụng hiệu quả, đi đôi với đảm bảo chất lượng tín dụng, ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi sự doanh nghiệp; chuyển dịch cơ cấu tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Chú trọng cho vay các chương trình tín dụng thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và các dự án, công trình đầu tư trọng điểm cấp bách của tỉnh; các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp tỉnh có lợi thế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân góp phần hoàn thành sớm các dự án đang triển khai đi vào hoạt động, tăng năng lực sản xuất mới; cho vay ưu đãi doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường; cho vay thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội tại tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; triển khai tích cực chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ ngư dân đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ và các dịch vụ liên quan theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Tập trung vốn cho vay phục vụ cơ cấu lại sản xuất trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển theo hướng sản xuất sạch, nâng cao năng suất, hiệu quả và giá trị gia tăng; cho vay mở rộng quy mô sản xuất ở vùng chủ động tưới trong quy hoạch, chuyển đổi cây trồng theo hướng tiết kiệm nước, có hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu thị trường và phù hợp với tình hình khô hạn; cho vay đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả; cho vay phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa trang trại, gia trại và gắn với quy hoạch phát triển đồng cỏ; cho vay sản xuất giống thủy sản theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng; có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng khắc phục khó khăn và phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ vốn, miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Diêm dân xã Tri Hải (Ninh Hải) vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất muối trải bạt, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, trong năm 2016, ngành Ngân hàng tỉnh ta tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất của các khoản vay cũ; xem xét miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của TCTD và chỉ đạo của NHNN; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ; xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả. Chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc phát sinh về cơ chế, chính sách để đề xuất xử lý, tháo gỡ kịp thời. Kết quả, đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trên 5.750 tỷ đồng/995 DN, tăng 15 DN và 12,35% dư nợ so với cuối năm 2015. Đồng thời, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay 64 hợp đồng tín dụng/161 tỷ đồng; xem xét miễn, giảm lãi vay 197 hợp đồng tín dụng với số lãi được miễn giảm là 8,83 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất xuống mức cho vay hiện hành 51 hợp đồng tín dụng/4,77 tỷ đồng... Đặc biệt, các TCTD đã chủ động tiếp cận, tạo điều kiện cho 24 DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng 926 tỷ đồng thông qua thực hiện tốt chương trình kết nối Ngân hàng-DN, qua đó tạo điều kiện cho các DN mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Công ty TNHH Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu, Công ty Cổ phần Gia Việt, Công ty TNHH Mỹ Viên sản xuất gạch không nung, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang, Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp-Chăn nuôi Tân Hà...

Có thể nói, những nỗ lực đạt được của ngành Ngân hàng đã tiếp sức không chỉ cho các DN, mà còn tạo sức bật cho các nông, ngư dân trong đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường... Những kết quả đó sẽ tạo đà cho năm 2017-năm thứ hai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII vào cuộc sống. Theo đó, hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, phát huy vai trò tích cực trong thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội địa phương... Toàn ngành phấn đấu tổng vốn huy động trong năm 2017 tăng tối thiểu 15%; đầu tư tín dụng tăng 18-20% với lãi suất hợp lý. Cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.