VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Giải quyết tình trạng học sinh bỏ học !

(NTO) Trong năm học mới 2016-2017, ngành Giáo dục tỉnh nhà tiếp tục có nhiều nỗ lực để tạo điều kiện học tập cho học sinh (HS) các cấp học, ngành học, nâng cao chất lượng dạy và học theo tinh thần đổi mới giáo dục, đào tạo. Cùng với tiếp tục mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu học tập của HS, việc cung ứng thiết bị dạy học phục vụ năm học mới đầy đủ, kịp thời và đạt hiệu quả cao. Hầu hết đã triển khai tốt việc cung cấp sách phục vụ giáo viên, sách giáo khoa, giấy vở học sinh. Đặc biệt, đã thực hiện tốt việc tặng sách giáo khoa cho các đối tượng con em thương binh, liệt sĩ, quyên góp sách cũ, giảm giá bán sách giáo khoa cho các đối tượng HS giỏi, HS nghèo vượt khó... Những việc làm trên đã nhân thêm niềm tin cho năm học mới hứa hẹn sẽ đạt nhiều kết quả mới. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đòi hỏi ngành Giáo dục của tỉnh cần nhanh chóng tháo gỡ đó là tình trạng HS bỏ học tuy có giảm nhưng so với khu vực, cả nước thì vẫn còn khá cao. Trong số 6 tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận, nếu Quảng Nam có tỷ lệ HS bỏ học thấp nhất, chỉ chiếm 0,07% (tính đến đầu năm học mới) thì ngược lại tỉnh ta tỷ lệ này nhiều nhất, chiếm 1,42%, tương đương 1.541 học sinh, trong số này cao nhất là cấp THCS với 1.094 HS, kế đến cấp THPT có 351 HS và thấp nhất là TH chỉ có 96 HS.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp học sinh xã vùng cao Phước Hà (Thuận Nam)
đến trường thi đua học tập tốt. Ảnh: Sơn Ngọc

Thử tìm hiểu nguyên nhân, cho thấy về mặt khách quan: Đa số HS bỏ học là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhất là ở địa bàn các xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em; Có những gia đình nghèo mặc dù đã được địa phương quan tâm giúp đỡ nhưng con không chịu đi học vì muốn làm ra tiền để tiêu xài và phụ giúp gia đình... Ngoài nguyên nhân trên thì một số HS lại nghỉ học giữa chừng không phải vì hoàn cảnh khó khăn mà vì không theo kịp nội dung giảng dạy trên lớp, hệ quả là xao lãng việc học và bỏ học. Ngoài ra, một số gia đình cha, mẹ luôn mâu thuẫn nên các em chán nản không muốn đi học vì không có người quan tâm. Nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là công tác chủ nhiệm của một số giáo viên chưa nhiệt tình, chưa quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống cũng như tâm lý HS... nên chưa thực sự là nguồn động viên cho các em, nhất là đối với những HS khó khăn, học lực yếu...phấn đấu vươn lên. Về nguyên nhân chủ quan : Do một số HS còn ham chơi, không xác định rõ định hướng mình học để làm gì; một số phải mưu sinh sớm để giúp đỡ gia đình đồng thời cần có tiền để đáp ứng những “nhu cầu“ bản thân...dẫn đến bỏ học.

Giải quyết tình trạng HS bỏ học như đã nêu, vận động các em ra lớp và duy trì ổn định sỹ số HS, theo các nhà chuyên môn ngành Giáo dục cần thực hiện các biện pháp như sau: Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, Ban đại diện cha mẹ HS; huy động mọi lực lượng xã hội cùng tham gia vận động HS ra lớp, tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của HS, cha mẹ HS về những lợi ích khi cho trẻ đi học. Chỉ đạo từng trường học tổ chức phân hóa trình độ HS ngay từ đầu năm học, tùy theo tình hình cụ thể để xây dựng kế hoạch và tiến hành bồi dưỡng, phụ đạo, ôn tập cho những HS yếu với các hình thức phù hợp, giúp các em tự tin trong học tập. Cần quan tâm định hướng phân luồng sau THCS để hạn chế HS bỏ học đối với bậc THPT. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học; tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Có chế độ, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng HS ở các xã miền núi, HS đồng bào dân tộc thiểu số để thu hút HS đến trường như hỗ trợ ăn trưa tại trường, cấp học bổng cho HS, trợ cấp lương thực...

Có thể nói, để giải quyết có hiệu quả tình trạng HS bỏ học không thể một sớm một chiều và “ khoán trắng“ cho ngành Giáo dục mà rất cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị gắn với các môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội...Yếu tố cũng không kém phần quan trọng là ý thức khắc phục khó khăn, tự giác học tập của chính từng HS.