Tiếp nhận bản đồ lịch sử Hoàng Sa có giá trị nhất

Bản đồ Partie de la Cochichine nằm trong bộ Atlas Thế giới do nhà địa lý học kiệt xuất Phillipe Vandermaelen xuất bản vào năm 1827, thuộc số rất ít bản đồ vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

 
UBND huyện đảo Hoàng Sa tiếp nhận bản đồ Partie de la Cochinchine
của Phillipe Vandermaelen do ông Trần Thắng tặng. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Sáng 10/1, UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận bản đồ vô giá Partie de la Cochichine khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bản đồ này do ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ trao tặng.

Bản đồ Partie de la Cochichine nằm trong bộ Atlas Thế giới do nhà địa lý học kiệt xuất Phillipe Vandermaelen xuất bản vào năm 1827. Trên khổ giấy A3, bản đồ vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 (khu vực tỉnh Khánh Hòa) đến vĩ tuyến 16 (khu vực tỉnh Quảng Nam). Phía ngoài khơi, Paracels (Hoàng Sa) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16-17 và kinh độ từ 109-111.

Đặc biệt, bên cạnh khu vực được xác định là Hoàng Sa, bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’ An-nam), bao gồm các nội dung Phisique, Politique, Statistique và Minéralogie.

Partie de la Cochichine thuộc số rất ít bản đồ tính cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ 19 đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được quốc tế ghi nhận.

Theo ông Trần Thắng, tấm bản đồ Partie de la Cochichine của Phillipe Vandermaelen xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá, không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học và đích thực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế rất cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Trần Thắng tặng nhiều bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.
Các bản đồ này hiện đang được lưu giữ ở UBND huyện đảo Hoàng Sa. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Trước đó, ông Trần Thắng đã hiến tặng cho UBND huyện đảo Hoàng Sa một bộ sưu tập gồm 150 bản đồ cổ, trong đó có những bản đồ Hoàng Sa do các nước phương Tây và Việt Nam vẽ từ năm 1618-1859, cho thấy vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Có những bản đồ các nước phương Tây vẽ về Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980 cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam và 2 sách bản đồ Atlas, một cuốn do Nhà nước Trung Hoa phát hành tại Nam Kinh năm 1933, cuốn còn lại do Phái bộ truyền giáo Trung Quốc phát hành tại Anh năm 1908 cũng chỉ rõ lãnh thổ nước này dừng lại ở Hải Nam.

Nguồn www.chinhphu.vn