Văn học thiếu nhi Việt Nam: Phát huy sức mạnh giáo dục

(NTO) Văn học thiếu nhi là một bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy văn học Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của trẻ em. Những năm qua, văn học viết cho thiếu nhi đã chuyển động tích cực, với sự phong phú về số lượng, nội dung và được chú trọng về hình thức, đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi.

Nền văn học thiếu nhi Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, với đội ngũ nhà văn đông đảo, đa dạng về độ tuổi và phong cách; năng động về sức tìm tòi, khám phá, đổi mới tư duy và cách tiếp cận cuộc sống với những cây bút khá nổi như Tô Hoài, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa, Phan Hồn Nhiên, Hoàng Dạ Thi, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần… cùng những tác phẩm đặc sắc như 101 truyện ngày xưa, Chuyện hoa chuyện quả, Hoa cỏ thì thầm, Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang-bi-ang, Dế Mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Góc sân và khoảng trời, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ…  Viết cho thiếu nhi, những nhà văn luôn cần mẫn sáng tạo, mở rộng đề tài và tìm tòi hướng khai thác mới mẻ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của độc giả. Họ đã thành công với mảng đề tài truyện cổ tích hiện đại, truyện cổ viết lại, những truyện đầy chất thơ về cỏ-cây-hoa-lá và ký ức tuổi thơ, những cuộc phiêu lưu, mạo hiểm, gắn với những suy nghĩ, cảm xúc hồn nhiên của trẻ thơ cùng những bài học giáo dục có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Các em thiếu nhi mua sách tại Fahasha Phan Rang. Ảnh: Sơn Ngọc

Cùng với sự phát triển của xã hội, văn học thiếu nhi ngày càng thu hút nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, các nhà nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá về quá trình phát triển của văn học thiếu nhi ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc. Cùng với đó là sự tích cực, chủ động “vào cuộc” của nhiều nhà xuất bản trong in ấn và phát hành tác phẩm về văn học thiếu nhi. Nhiều cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi được tổ chức với những hoạt động sôi nổi, thiết thực, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận, khơi dậy niềm say mê văn học, bồi dưỡng tâm hồn và phát triển năng khiếu, phát hiện và phát huy khả năng sáng tạo cho thiếu nhi.

Quá trình phát triển cùng những thành quả gặt hái của văn học thiếu nhi ngày càng đi vào chiều sâu, tiếp cận với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, qua đó góp phần quan trọng vào việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em cả về đạo đức, trí tuệ, cảm xúc thẩm mỹ, ngôn ngữ cho trẻ. Văn học thiếu nhi như một nguời bạn đồng hành cùng trẻ thơ, cung cấp cho trẻ thơ vốn từ, đặc biệt là những từ ngữ nghệ thuật. Khả năng tác động của văn học đến tâm hồn và trí tuệ, nhân cách của con người vẫn luôn là một sức mạnh kỳ diệu và tinh tế nhất. Vì thế, phát huy sức mạnh giáo dục, bồi dưỡng cho trẻ lòng yêu mến văn học thiếu nhi là hết sức cần thiết. Trong môi trường giáo dục của nhà trường, gia đình, các thầy, cô giáo, phụ huynh cần giáo dục nhân cách trẻ em thông qua con đường văn học, tạo hứng thú cho trẻ trong việc đọc tác phẩm văn học thiếu nhi, qua đó góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ lẫn tâm hồn...