Học để thoát nghèo

Tháng 8 ở huyện Thuận Bắc, tháng của những đàn ong đi lấy mật. Tháng của trẻ thơ nô nức tới trường. Những mái trường tinh nguyên màu vôi mới rộn ràng bước vào năm học mới 2010- 2011. Học để nâng cao dân trí, học để thoát nghèo với thành tựu đáng mừng của Đảng bộ và nhân dân huyện Thuận Bắc trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Tầm vóc mới

Mới qua 5 năm thành lập đi vào hoạt động, nhưng ngành GD&ĐT huyện Thuận Bắc đã phát triển nâng lên tầm vóc mới. Nhiều ngôi trường được Nhà nước đầu tư xây dựng hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; đội ngũ giáo viên đào tạo chính quy đạt chuẩn và trên chuẩn chuyên môn tận tâm truyền dạy kiến thức cho đàn em nhỏ thân yêu; các bậc phụ huynh quan tâm chăm lo đầu tư con em ăn học với ước mong học để lập thân lập nghiệp, học để thoát nghèo.

Đi qua các xã từ Lợi Hải đến Bắc Sơn, Phước Chiến trong những ngày đầu năm học mới, chúng tôi gặp không khí nhộn nhịp của mùa tựu trường với ước mong giành lấy những thành tựu mới trong sự nghiệp dạy chữ, rèn người. Ngôi trường THPT vinh dự mang tên nhà yêu nước Phan Bội Châu được đầu tư xây dựng mới tại trung tâm huyện, thể hiện quan tâm chăm lo của Đảng bộ và chính quyền trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho địa phương, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về dân trí cộng đồng các dân tộc Việt sau hàng trăm năm khẩn hoang lập ấp trên vùng đất “rồng bay”.

Thầy và trò Trường THCS Hà Huy Tập (Bắc Sơn, Thuận Bắc) bước vào năm học mới 2010- 2011.

Thầy giáo Dương Thanh Trí, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thuận Bắc bộc bạch niềm vui: Năm học 2010- 2011, toàn huyện có 25 cơ sở giáo dục thu hút 7.595 học sinh các cấp học đến trường, tăng 200 em so với năm học trước. Nhà nước đầu tư gần 15 tỉ đồng xây dựng mới trường lớp và nhà công vụ giáo viên, nên sẽ chấm dứt tình trạng học sinh ngồi “nhầm lớp”.

Nếu như năm học 2005-2006, học sinh tiểu học duy trì sĩ số đạt 97,3% đến năm học 2009- 2010 đã nâng lên 99,5% và cấp THCS, nâng từ 93,3% lên 96,5%. Điều đó minh chứng cho tinh thần vượt khó vươn lên học tập của học sinh. Nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trở về tham gia xây dựng địa phương. Nguồn lực lao động trẻ qua đào tạo có trình độ học vấn ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống góp phần quan trọng xây dựng đời sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Tính đến nay, huyện Thuận Bắc chỉ còn 19,2% số hộ nghèo theo chuẩn mới, giảm 23,9% so với cuối năm 2005.

Niềm vui của vị "tiên chỉ" làng

Chúng tôi xuôi về xã Bắc Sơn tìm gặp ông Đạo Duy Cần - người được cư dân thôn Bỉnh Nghĩa tôn vinh là “tiên chỉ” trong việc lo lễ nghi theo phong tục của đồng bào Chăm Bàlamôn của làng. Đồng thời với cương vị chi hội trưởng Người cao tuổi, ông đi đầu trong động viên bà con thôn xóm đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn khu dân cư.

Qua trò chuyện, chúng tôi biết ông là người thầy giáo dạy chữ quốc ngữ đầu tiên ở thôn Bỉnh Nghĩa (sau khi ông tốt nghiệp chương trình Sơ cấp Sư phạm năm 1963). Ngày ấy, cuộc sống nông thôn nghèo khó, nên số đông trẻ em trong làng rơi vào cảnh mù chữ. Lớp học do ông phụ trách có khoảng bốn chục học sinh con em đồng bào Chăm. Nhắc lại chuyện học ở Bỉnh Nghĩa xưa và nay, vị “tiên chỉ” làng phấn khởi nói: “Trước năm 1975, toàn làng chỉ có một vài người học hết bậc trung học là “đứng bánh”, khi đất nước thống nhất, đời sống phát triển, các gia đình quan tâm cho con em ăn học chu đáo. Đặc biệt sau 5 năm thành lập xã Bắc Sơn, hệ thống trường học được Nhà nước đầu tư xây dựng hai tầng lầu hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con cháu trong làng.

Đến nay, thôn Bỉnh Nghĩa có 22 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng và 10 người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều người trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên làm rạng danh cho cộng đồng dân cư. Riêng bản thân tôi có ba con tốt nghiệp sư phạm ra trường trở về giảng dạy tại địa phương. Các cháu có học vấn đều trưởng thành bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, tích cực góp phần xây dựng thôn xóm giàu đẹp”.
Nhớ hôm trao đổi với đồng chí Thuận Sapa, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn về thành tựu giáo dục địa phương qua 5 năm xây dựng và phát triển. Anh cho biết trên địa bàn xã hiện có một trường THCS và 3 trường tiểu học đều được “lầu hóa”. Nếu như năm học 2005- 2006, toàn xã chỉ có 1.331 học sinh các cấp học đến năm nay đã tăng lên 1.947 em.

Đặc biệt ở xã hiện có 45 em đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, tăng 36 em so với 5 năm trước. Đội ngũ cán bộ xã vào thời điểm mới thành lập chưa có ai tốt nghiệp trung cấp, nhưng qua 5 năm vừa làm vừa học, đến nay đã có 2 người tốt nghiệp đại học, 9 người tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Chia tay xã Bắc Sơn, tôi nhớ như in nụ cười hồn hậu và lời nói mộc mạc ân tình của vị “tiên chỉ” làng Bỉnh Nghĩa, cựu giáo chức Đạo Văn Cần: “ Chỉ có con đường nỗ lực học tập làm giàu tri thức là con đường ngắn nhất để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Đầu tư nguồn nhân lực

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Bắc nhiệm kỳ 2011- 2015, xác định tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảm chênh lệch giữa các vùng, miền. Đến năm 2015 trên địa bàn có 7 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên; có 95% trẻ em được học mẫu giáo trước khi vào lớp 1; 45% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 97% học sinh tiểu học và 95% học sinh THCS xếp loại học tập từ trung bình trở lên.

Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội và nhu cầu của doanh nghiệp. Đầu tư xây dựng Trung tâm KTTH- HN- DN tại trung tâm huyện đào tạo nghề cho lao động và mỗi năm có 300 lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Với mục tiêu phấn đấu giảm hộ nghèo xuống dưới 12% vào năm 2015 thì đầu tư nâng cao toàn diện nguồn nhân lực vẫn là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược đưa huyện Thuận Bắc vươn lên trở thành vùng kinh tế công nghiệp-du lịch trọng điểm phía Bắc của tỉnh.