Câu cá ở Trường Sa

(NTO) Câu cá từ xa xưa đến nay được cha ông ta lấy làm nghề mưu sinh, cũng là thú vui tao nhã. Chung trên chuyến tàu HQ 571, chúng tôi gặp nhiều chiến sĩ lần đầu tiên ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc kể trước đây cũng đã cùng với gia đình thường đi bạn trên thuyền nghề câu cá ở Trường Sa. Binh nhất Trần Quốc Sỹ, ở đảo Nam Yết, quê tỉnh Bình Định, chia sẻ: Gia đình em truyền thống lâu nay sống bằng nghề đi biển. Vào năm 15 tuổi, em đã cùng với gia đình và bạn nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa. Giờ phục vụ ở đảo Nam Yết, em sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ và cùng chia sẻ với các anh em trên đảo về nghề câu cá, để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.

 
Các chiến sĩ ở đảo Sơn Ca câu cá để cải thiện bữa ăn.

Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên huyện đảo Trường Sa, câu cá lại là niềm đam mê sau những giờ học tập, huấn luyện vất vả, cũng vừa là góp phần tạo thêm phong phú bữa ăn hàng ngày. Theo các anh, cá ở Trường Sa có nhiều loại như cá mú, cá bò bọc thép, cá thu ngừ… nhưng nhiều và dễ câu nhất là cá thu bè. Mỗi cá thu bè thường nặng tối đa khoảng 70 kg, song loại dễ câu nhất là từ 5-15 kg. Vào khoảng giữa tháng 4, tháng 5, ban ngày trời nắng, thủy triều xuống cạn cá con chết nhiều, đến chiều tối chúng tìm vào từng đàn để kiếm ăn. Nếu như ở đảo chìm, chỉ cần buông câu là kéo, còn ở đảo nổi phải thả mồi “phục trước”. Lính đảo thường dùng cước 3-4 mm, lưỡi câu Nhật, cá con, xô chậu… là có thể hành nghề câu cá. Có rất nhiều cách câu: câu ngâm, câu đáy, câu lửng, câu nổi, mồi câu thường là bạch tuột, cá mú con… Câu cá càng to thì càng quý. Vì vậy, khi từ đất liền ra đảo, việc cần quan tâm đầu tiên là sắm được lưỡi, cước câu thật ưng ý.

Chúng tôi còn được các chiến sĩ trên huyện đảo Trường Sa chia sẻ: Tuy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng được vùng vẫy giữa sóng nước, biển trời của Tổ quốc thật hạnh phúc biết bao. Anh em chúng tôi cùng chung tay bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ Trường Sa thân yêu.