Hải trình “Trường Sa thân yêu”:

Rau xanh ở biển đảo

(NTO) Ở huyện đảo Trường Sa, trồng rau xanh là nhiệm vụ bắt buộc để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ. Trong chuyến công tác lần này, đoàn chúng tôi ấn tượng với các vườn rau thanh niên được trồng trên các đảo nổi, đảo chìm.

Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, trở lại lần thứ hai, với điểm đến đầu tiên là đảo Song Tử Tây. Trong bữa cơm trưa trên đảo, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là đĩa rau xanh. Với thời tiết khắc nghiệt, không chủ động nước ngọt mà làm sao có được rau xanh? Tìm hiểu tại đảo Song Tử Tây, chúng tôi được các cán bộ, chiến sĩ trên đảo cho biết, trồng rau xanh được đưa cả vào thi đua, vào ý thức hàng ngày để phấn đấu mỗi bữa ăn trên đảo đều phải có rau xanh.

Sau những giờ làm nhiệm vụ, vào mỗi buổi chiều, các chiến sĩ
trên đảo Song Tử Tây chăm sóc vườn rau trên đảo để cải thiện bữa ăn.

Có thể nói, trong chuyến đi công tác cách đây 1 năm, so với những đảo khác, Song Tử Tây là một trong số ít những đảo có thể tự túc được rau xanh. Trồng rau đã khó, trồng rau xanh giữa biển đảo lại khó hơn nhiều. Gạt qua những khó khăn, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã tự sản xuất, cung ứng nhu cầu rau xanh cho toàn đảo. Do thời tiết khắc nghiệt, nắng gió, bão táp nên chủng loại rau trồng trên đảo được lựa chọn khắt khe. Rau được chọn trồng chủ yếu là rau dền, rau muống và rau mồng tơi. Để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy đảo ưu tiên diện tích trên 2.000 m2 để phát triển rau xanh. Thăm vườn rau trên đảo, chúng tôi được chiến sĩ Vũ Văn Tùng chia sẻ: Hằng ngày hết giờ làm nhiệm vụ, cứ vào mỗi buổi chiều mỗi người lại tăng gia sản xuất như trồng rau góp phần tăng cường rau xanh cho đảo, cho đơn vị và cũng như cho các phân đội bạn.

Hiện đảo Song Tử Tây được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đầu tư xây dựng 4 nhà vòm trồng rau xanh. Nhờ trồng trong nhà vòm, rau được che chắn khỏi nắng gió, thời tiết khắc nghiệt. Chính vì thế, so với diện tích rau trồng ngoài trời, rau trong nhà vòm có chất lượng, năng suất cao hơn. Những loại rau ít chịu được nắng gió như cải xanh được ưu tiên trồng trong nhà vòm để đảm bảo năng suất. Đứng cạnh vườn rau trên đảo, Thượng tá Trương Sỹ Nam, Đảo trưởng đảo Song Tử Tây, vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: Đối với môi trường biển, đảo thường xuyên bị tác động bởi nắng gió. Trồng rau trong nhà vòm hạn chế được sóng gió, đảm bảo cho rau được tốt hơn. Trung bình mỗi năm, sản lượng rau xanh sản xuất trên đảo đạt gần 10 tấn, cải thiện thêm khẩu phần ăn cho cán bộ, chiến sĩ. Nhiệm vụ tăng gia sản xuất trên đảo thường đạt kết quả tốt và vượt chỉ tiêu.

Điều đáng ghi nhận, ở môi trường biển, đảo với điều kiện khắc nghiệt, nhưng các đảo vẫn nỗ lực, vượt khó trồng được rau xanh. Đi vào đảo chìm Đá Nam và Đá Thị, cán bộ, chiến sĩ ở các đảo tận dụng các khoảng trống không gian xung quanh đảo để trồng rau xanh. Thật ngạc nhiên khi đoàn công tác chúng tôi vào đảo Đá Thị, thấy được mô hình trồng hành lá kiểu mới trong bình nhựa. Gặp “tác giả” của mô hình, Trung úy Lê Văn Trường kể: “Điều kiện trồng rau xanh trên đảo chìm rất khắc nghiệt về diện tích đất, nước tưới… Để có được những cọng hành lá tươi xanh phục vụ cho bữa ăn, tôi đã nảy sinh với ý tưởng trồng hành trong bình nhựa. Xung quanh thân bình được khoét nhiều lỗ, mỗi tầng đất sẽ đặt các lớp hành cũ tím vào lỗ khoét. Sau 7-10 ngày, hành lá sẽ ra và có thể thu hoạch”. Đi vào các đảo nổi Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, đến các cụm chiến đấu, chúng tôi gặp rất nhiều vườn rau xanh được trồng nơi đây.

Tận hưởng các món rau xanh trồng trên biển, đảo mới biết quý công của cán bộ, chiến sĩ tự tay trồng, hiểu phần nào cuộc sống của quân và dân ở biển, đảo. Và thật đúng: “Có đi mới biết, có nhìn mới thấy, có nghe mới thấu hiểu” rau xanh ở Trường Sa quý đến độ nào!.