Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, cừu qua chương trình “Con đường tri thức”

(NTO) Những năm qua, cùng đoàn cán bộ Văn phòng Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU), chúng tôi có dịp đến nhiều vùng nông thôn tìm hiểu về mô hình liên kết nông dân và kết nối thị trường. Tại các nơi này chúng tôi tiến hành phỏng vấn, thảo luận, đánh giá và kết luận về tính ứng dụng của mô hình. Đây là hoạt động theo hướng tổ chức “con đường tri thức” đang được PCU phổ biến nhằm phát hiện các tri thức của mô hình, qua đó có phương cách hỗ trợ, chia sẻ và nhân rộng. Một trong những hoạt động đó đang tập trung vào phát triển chuỗi giá trị dê, cừu.

Vừa qua, được tham dự chương trình “Con đường tri thức” chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, cừu giữa các nhóm cùng sở thích gắn với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ do PCU tổ chức, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến đáng lưu ý. Theo anh Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, từ tháng 4-2015, Quỹ CBG (Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp) cho chuỗi giá trị dê, cừu đã được triển khai thực hiện có kết quả tại Cơ sở sản xuất và kinh doanh dê, cừu Triệu Tín (gọi tắt là Cơ sở Triệu Tín) ở thôn Thuận Hòa (xã Phước Thuận, Ninh Phước). Với tổng mức đầu tư 1,53 tỷ đồng, trong đó Quỹ CBG tài trợ 650 triệu đồng, vốn tự đối ứng 880 triệu đồng, cơ sở Triệu Tín đã đầu tư nâng cấp lò giết mổ và thiết bị phụ trợ, kho cấp đông, hỗ trợ xây dựng chuồng trại cho 8 hộ dân, hỗ trợ thuốc thú y cho 81 hộ dân, tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân và hỗ trợ 92 con dê giống, 86 con cừu giống để xoay vòng vốn vay chăn nuôi (hỗ trợ có thu hồi không tính lãi) cho các nhóm cùng sở thích nuôi dê, cừu.

 
Chăm sóc dê nuôi tại nhóm cùng sở thích thôn An Thạnh 2 (An Hải).

Anh Nguyễn Xuân Đoài, chủ cơ sở Triệu Tín, cho biết: “Từ tác động của tiểu dự án đã tạo thuận lợi cho cơ sở trong khâu giết mổ, khâu bảo quản được tốt hơn, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm tính chủ động và sẵn sàng trong việc cung cấp sản phẩm cho các đối tác kinh doanh”. Bên cạnh đó, nhằm mục đích liên kết có hiệu quả với các tổ, nhóm tham gia chuỗi giá trị sản phẩm trong vùng dự án, giúp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm dê, cừu, doanh nghiệp (DN) đã tiến hành liên kết với 5 tổ nhóm nuôi dê, cừu (81 hộ thành viên) ở huyện Ninh Phước, bao gồm 2 tổ của xã Phước Thái, 2 tổ tại xã Phước Vinh và 1 tổ thuộc xã An Hải. Nhờ thực hiện Tiểu dự án “Hợp tác phát triển chuỗi giá trị dê, cừu”, thị trường tiêu thụ của cơ sở đã mở rộng khắp 17 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam (trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) với hơn 20 đầu mối tiêu thụ dê, cừu từ giết mổ đến cung cấp nguyên con.

Nhiều nông dân khi thảo luận tại diễn đàn chương trình “Con đường tri thức” cho rằng theo nguyên tắc 2 bên cùng có lợi, qua xác lập được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và giữa tổ nhóm với DN, bước đầu nông dân nuôi dê, cừu có đầu ra sản phẩm ổn định. Anh Từ Công Ý, Trưởng nhóm cùng sở thích nuôi dê thôn Tuấn Tú (xã An Hải, Ninh Phước) cho biết: “Dự án nuôi dê sinh sản giúp việc hưởng lợi nhanh chóng hơn, nhất là tạo việc làm, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho các phụ nữ nghèo trong thôn Tuấn Tú”. Cùng xã An Hải, tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu vỗ béo thôn Long Bình 2 được Quỹ CSG (Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh) hỗ trợ vốn mua cừu giống về phân phối đều cho mỗi hộ thành viên 4 con để nuôi vỗ béo. Anh Võ Thái Độ, trưởng nhóm chia sẻ: “Cừu ở đây chủ yếu nuôi vỗ béo trong chuồng nên để cung cấp thức ăn cho chúng, người ta trồng thêm cỏ. Ưu điểm ai cũng có thể thấy là cừu rất dễ nuôi vì chúng ít mắc bệnh, lại có thể ăn bất kể cây lá gì không độc”. Cứ 4-5 tháng là một lứa nuôi thịt, các hộ trong tổ đã bán nhiều đợt cừu vỗ béo, mỗi đợt lãi khoảng 3 triệu đồng. Từ tiền vốn và lãi tích lũy tái đầu tư, số cừu giống của mỗi hộ tăng dần, có hộ đã nhân lên 6-7 con cừu mỗi đợt nuôi.

Như vậy bên cạnh tiểu dự án được tài trợ từ Quỹ CBG do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh thực hiện, Quỹ CSG do DASU Ninh Phước triển khai, giải ngân cũng đã đem lại kết quả tương tự. Theo cán bộ DASU huyện, từ nguồn vốn Quỹ CSG đã nâng cao thu nhập từ 20% - 30% cho các hộ nghèo, cận nghèo và các thành viên trong các nhóm cùng sở thích nuôi dê, cừu ở Ninh Phước. Nhìn chung qua chương trình “Con đường tri thức”, các nhóm cùng sở thích đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, cừu và tổ chức xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hợp tác liên kết với các DN trong việc phát triển chuỗi giá trị dê, cừu hướng tới mục tiêu nâng dần chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.