Việt Nam xác lập chủ quyền từ rất lâu đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Năm 1816, việc Vua Gia Long cử thủy quân ra cắm cờ ở quần đảo Hoàng Sa là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam, khẳng định chủ quyền biển đảo về phương diện nhà nước của triều đình nhà Nguyễn.

 
Tấm bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" khẳng định chủ quyền biển đảo của VIệt Nam. Ảnh: Zing.vn

Tại hội thảo "Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử" vừa diễn ra tại Huế, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc phân tích trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, năm 1816 có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây là thời điểm nhà Nguyễn đưa thủy quân chính quy trực tiếp quản lý và bảo vệ chủ quyền các quần đảo ở Biển Đông.

Đến giai đoạn này, chức năng bảo vệ biển đảo bắt đầu được chuyển dần từ các đội Hoàng Sa, Bắc Hải sang đội thủy quân. Tuy nhiên, đội thủy quân vẫn triệt để khai thác nhân lực, điều kiện và phương tiện hoạt động linh hoạt của đội Hoàng Sa, Bắc Hải trên vùng biển, chủ yếu gồm các đảo đá, bãi cạn.

Việc thực thi chủ quyền quốc gia đối với các hải đảo là hoạt động được triều Nguyễn tiến hành thường xuyên và liên tục, là kế tục sự nghiệp của các triều đại trước. Triều Nguyễn là triều đại đã vẽ nên một hình thể lãnh thổ đất nước thống nhất từ đất liền đến biển, đảo để có một nước Việt Nam hoàn chỉnh hiện nay.

Một bằng chứng mới được phát hiện ở đình làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là văn bản có nội dung xử lý việc kiện tụng của phường An Bằng và làng Mỹ Lợi, lập ngày 19/9 năm Cảnh Hưng thứ 20 (6/11/1759) về việc tranh chấp giữa hai làng liên quan đến một con thuyền và tiền trợ cấp cho đội thuyền phục vụ Hoàng Sa. Nội dung văn bản này cho thấy cách đây 250 năm, nhà Nguyễn đã có quân trấn giữ quần đảo Hoàng Sa.

PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, ngôi đền có tên “Hoàng Sa tự” trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa là do cai đội Phạm Văn Nguyên cùng lính và phu dân hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây dựng. Việc xây dựng ngôi đền này có ghi trong sách “Đại Nam thực lục” (tháng 6 năm Ất Mùi, niên hiệu Minh Mạng 16 - năm 1835).

Còn theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, trong một nghiên cứu mới nhất về chủ quyền biển đảo qua các tư liệu xác thực dưới triều Nguyễn như châu bản và các bộ chính sử như “Đại Nam thực lục”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, “Đại Nam nhất thống chí”… chứng minh cho việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn đối với biển, đảo giai đoạn 1802-1945.

Đáng chú ý, triều Nguyễn được thành lập năm 1802, nhưng trước đó hơn 200 năm, kể từ năm 1558, các đời chúa Nguyễn đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi, bao gồm toàn bộ đất miền Nam và vùng biển đảo phía nam và tây nam của Tổ quốc.

Dưới thời Nguyễn, khu vực biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập từ Bắc chí Nam, tương đương với khu vực biển đảo của chúng ta hiện nay, đó là vùng biển từ Quảng Yên (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) với các đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa.

Các vua triều Nguyễn bấy giờ đã xác lập và khẳng định chủ quyền của nước ta đối với biển đảo Tổ quốc bằng việc huy động một lực lượng lớn bao gồm quan chức của các cơ quan Trung ương Nội các, Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Giám thành Khâm thiên giám, thuỷ sư... phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hằng năm thực thi công vụ Hoàng Sa, như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn lũy, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết.

Riêng đảo Hoàng Sa có trạm khí tượng của Việt Nam hoạt động từ năm 1938-1947, được Tổ chức Khí tượng quốc tế đặt số hiệu 48-860 (số 48 chỉ khu vực Việt Nam).

Như vậy, việc sử dụng, khai thác biển ở quần đảo Hoàng Sa là truyền thống lâu đời của nhân dân Việt Nam. Đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa càng được thiết lập và thực thi đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào. Người Pháp cũng đã cho xây dựng các đài khí tượng, trạm quan trắc và cắt đặt lính đồn trú trên các đảo.

Hội thảo "Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử" lần đầu tiên được tổ chức tại Huế, thu hút 27 tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, tập trung nghiên cứu nhiều nội dung phong phú, cung cấp những thông tin có giá trị về lịch sử, khẳng định vai trò, trách nhiệm của chính quyền Việt Nam qua các thời kỳ đối với chủ quyền biển đảo.

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào các chủ đề: Vấn đề chủ quyền lịch sử; về sự hiện diện các thế lực nước ngoài, phản bác luận điểm xuyên tạc và sai trái lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa; về chủ quyền biển đảo đối với nhân dân các tỉnh miền Trung.

Các tác giả đã sưu tầm các nguồn tư liệu lưu trữ thời thuộc địa, thời Việt Nam Cộng hòa; tài liệu lưu trữ nước ngoài của Nhật Bản; hệ thống bản đồ cổ của Trung Quốc và phương Tây… để chứng minh về chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nguồn www.chinhphu.vn