Lời phê bình hạnh phúc

(NTO) Đến hẹn lại lên, thời điểm cuối năm thường tập trung “tự phê bình và phê bình”. Kiểm điểm cuối năm là dịp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhìn nhận lại mình trong quãng thời gian 365 ngày thử thách, nỗ lực, cả thành công và thất bại.

Phê bình là sự góp ý mang tính xây dựng, là một kênh phản ánh hiệu quả giúp đồng nghiệp có cơ hội tự suy ngẫm lại mình, sửa đổi, hoàn thiện. Thế nhưng không phải ai cũng tiếp nhận lời phê bình từ đồng nghiệp một cách vui vẻ, chân thành.

Lời phê bình chưa bao giờ dễ nghe. Sau một năm phấn đấu, vất vả, mỗi người đều muốn nghe những lời khen tặng, động viên. Đó là sự ghi nhận cho những đóng góp, nỗ lực. Nhưng cuộc sống đầy màu sắc, “nhân vô thập toàn”, ai cũng có hạn chế, khuyết điểm nào đó, dù ít hay nhiều, hay đơn giản là ai cũng có điều cần được cải thiện theo hướng tốt hơn để ngày càng phù hợp hơn, được mọi người yêu mến hơn, thích ứng hơn với cuộc sống luôn vận động, thay đổi. Những điều khiếm khuyết này không phải bao giờ cũng dễ thấy, đặc biệt trong môi trường xã hội hiện đại ngày nay, mỗi người đều có cá tính riêng và bị lôi cuốn vào sự tất bật của cuộc sống, công việc hàng ngày, không đủ những “khoảng lặng” cần thiết để tự nhìn nhận lại mình, nhận ra những việc, những điều chưa hay, chưa tốt. Một lời phê bình chân thành, mang tính xây dựng, giúp đồng nghiệp phát triển tốt hơn cần được xem là một “liều thuốc” cần thiết giúp tiếp thêm sức mạnh, động lực cho những nỗ lực mới. Người nhận được lời phê bình chân tình phải thấy rằng lời phê bình từ đồng nghiệp tuy hơi “khó nghe” nhưng thật sự là niềm vui, niềm may mắn không phải dễ có, là cơ hội cho những thay đổi, những bước phát triển mới trong cuộc sống, khác nào được bác sĩ “chẩn đoán” đúng bệnh, kê đơn, bốc thuốc, một cơ thể mệt mỏi được điều trị đúng chỗ, đúng cách sẽ trở lại khỏe mạnh hơn. Ở chiều ngược lại, lời phê bình mang tính trả đũa, nặng về chỉ trích chẳng những không giúp cho người được phê bình nhìn nhận lại mình, mà còn làm cho họ cảm thấy buồn chán, mất phương hướng.

Một năm làm việc nỗ lực, vất vả, thời điểm kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cuối năm là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đóng góp, xây dựng cho đồng chí, đồng nghiệp mình, đừng để phê bình mang tính nặng nề, hình thức. Người được phê bình cần chuẩn bị tâm lý tốt để đón nhận, tiếp thu những góp ý chân thành, những lời phê bình hạnh phúc, từ đó phấn đấu tốt hơn, phát huy những ưu điểm, khắc phục những khiếm khuyết, hoàn thiện bản thân, đạt được nhiều thành công hơn trong công tác và cuộc sống.