Tăng cường công tác đảm bảo ATGT

(NTO) Năm 2016, mặc dù tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhưng số vụ, số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) vẫn tăng. Do đó, để đảm bảo mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí trong năm tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 338 vụ TNGT làm 65 người chết, 419 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 1,07 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 6 vụ, giảm 2 người chết, tăng 34 người bị thương, thiệt hại tải sản tăng 361 triệu đồng. Như vậy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng các tiêu chí về giảm TNGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua không đạt theo yêu cầu đề ra. Số người chết giảm, nhưng số vụ, số người bị thương vẫn tăng. Nổi lên là tình hình TNGT trong dịp đầu năm và quý III/2016. Đặc biệt, TNGT nghiêm trọng trên tuyến QL1A tăng so với năm trước và chiếm tỷ lệ 56% số vụ TNGT gây chết người trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, nguyên nhân vẫn do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu tự giác chấp hành pháp Luật về ATGT. Tình trạng vi phạm các quy định về ATGT diễn ra khá phổ biến với các lỗi chủ yếu như: không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ khi điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông; tình trạng lấn chiếm phần đường, chở quá số người quy định, thiếu chú ý khi qua đường, đi ngược chiều... Trong khi đó, công tác tuần tra, xử lý vi phạm có thời điểm không tập trung, thiếu quyết liệt, chưa khép kín địa bàn… Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa sâu rộng, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao.

Ông Nguyễn Xuân Phượng, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Với mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí trong năm ATGT 2017, đòi hỏi phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo các nhiệm vụ, biện pháp đảm bảo ATGT đối với từng địa bàn, lĩnh vực mình quản lý. Mặt khác, cần có sự đánh giá phân tích tình hình, nguyên nhân, kịp thời đề xuất các biện pháp hữu hiệu để kìm chế TNGT. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường thường xảy ra tai nạn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi nguy hiểm trực tiếp gây TNGT, cũng như thực hiện nghiêm công tác kiểm điểm giáo dục, đối tượng vi phạm tại cơ sở; tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ, hậu quả TNGT, các biện pháp đảm bảo ATGT. Về hạ tầng giao thông, cần rà soát hệ thống biển báo, kịp thời xử lý các điểm đen; nâng cấp các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp để hạn chế các vụ tai nạn.

Trong năm 2016, nhằm đảm bảo TTATGT tỉnh ta đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về ATGT. Các địa phương đã xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình tự quản, xây dựng các thôn, khu phố, gia đình đảm bảo ATGT. Các ban ngành, đoàn thể đều gắn hoạt động với công tác tuyên truyền, thực hiện đảm bảo ATGT như: “Hội Cựu chiến binh tự quản về ANTT gắn với ATGT”, “Phụ nữ tham gia đảm bảo TTATGT vì hạnh phúc của gia đình”, Đoàn Thanh niên thực hiện mô hình cổng trường ATGT… Lực lượng CSGT cũng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm TTATGT. Qua đó, phát hiện lập biên bản xử lý 14.251 trường hợp vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính gần 13 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 540 trường hợp, tạm giữ 4.300 phương tiện các loại.