Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao:

Đẩy mạnh ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp

Từ mô hình “1 phải, 5 giảm”

Có thời gian dài, nông dân trồng lúa gặp khó khăn do chi phí đầu tư cao, trong khi giá sản phẩm không tăng. Để giảm “gánh nặng” trong đầu tư cho nông dân, ngành Nông nghiệp đã chuyển giao thành công mô hình “1 phải, 5 giảm”, tạo bước ngoặt về sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Mô hình được triển khai thí điểm ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) trong vụ đông-xuân 2010-2011 trên diện tích 10 ha, với 32 hộ tham gia, đến nay nhân rộng lên tới hàng ngàn ha, phủ đều ở tất cả 7 huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Anh Lê Văn Kiên (thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu) cho biết: Gia đình sản xuất 1 ha lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, kết quả giảm được 12 kg giống, phân bón tiết kiệm được 10 kg, tiết kiệm nước tưới được 30%, trong khi năng suất tăng 10% so với sản xuất truyền thống.

Nông dân phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP.  Ảnh: V.M

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: Thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” có nhiều cái lợi, nhất là khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún. Vì các khâu canh tác theo mô hình từ làm đất, sạ giống, thu hoạch… đều bằng máy, nên để tạo thuận lợi đưa cơ giới vào đồng ruộng, nông dân đã “dồn thửa” thành đồng lớn. Điển hình như ở xã Phước Hậu, thông qua HTX, những xã viên có đất gần kề nhau cùng thực hiện mô hình dễ dàng trong chăm sóc, bón phân, theo nước. Việc các địa phương đẩy mạnh nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” như hiện nay đã góp phần vào thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đó là tạo ra những cánh đồng chuyên canh đáp ứng yêu cầu thị trường. Áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” không những tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, mà còn giảm ô nhiễm môi trường, đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tạo độ tin cậy về chất lượng sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp cùng liên kết làm ăn lâu dài.

Đến trồng nho sạch

Xác định nho là cây trồng chủ lực, vì vậy, tỉnh ta luôn quan tâm đến việc triển khai các chương trình, chính sách, xây dựng đề tài nghiên cứu và ứng dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu mang lại hiệu quả cao, mở ra khả năng nhân rộng và tạo điều kiện để phát triển trong thời gian tới.

Chương trình trồng nho sạch ở tỉnh ta bắt đầu được triển khai thí điểm tại hộ ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi), ở xã Phước Thuận (Ninh Phước) vào năm 2008, với quy mô 1 ha. Đến năm 2010, khi được cấp Giấy chứng nhận canh tác theo quy trình VietGAP, thương hiệu Nho Ba Mọi thực sự có chỗ đứng trên thị trường. Thành công này làm cơ sở để tỉnh khẳng định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những giải pháp lâu dài, căn cơ, hiệu quả, đưa sản phẩm nho Ninh Thuận tiếp cận thị trường.

Nông dân Ninh Hải áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây ớt.
Ảnh: V.M

Điểm nổi bật trong chỉ đạo, điều hành là tỉnh ta đã đề ra nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia trồng nho sạch. Từ triển khai có hiệu quả Dự án Cạnh tranh nông nghiệp về xây dựng những mô hình thí điểm áp dụng cho sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), Dự án QSEAP hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn đã hình thành được những vùng trồng nho sạch, với tổng diện tích khoảng gần 200 ha. Nhờ sản xuất theo quy trình sạch, nho Ninh Thuận đã tiếp cận được các thị trường khó tính, giá cao gấp 3 lần so với canh tác theo tập quán cũ. Đơn cử, Doanh nghiệp TN SX TM&DV Ba Mọi đang liên kết với 150 hộ sản xuất canh tác 100 ha nho sạch, mỗi năm cung ứng cho hệ thống siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội khoảng 100 tấn sản phẩm giá cao.

…Và công nghệ tưới tiết kiệm nước

Có nhiều chương trình chuyển giao khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhưng thành công của việc triển khai có hiệu quả công nghệ tưới tiết kiệm nước đã khắc phục được khó khăn cho sản xuất trong điều kiện khô hạn. Mô hình được thực hiện vào năm 2007, quy mô ban đầu vài ha, đến nay đã nhân rộng lên 7.000 ha gồm các loại cây trồng như mía, nho, táo, rau màu các loại. Ưu điểm của mô hình là tiết kiệm được khoảng 50-60% nước tưới so với tưới xả tràn, giúp nông dân canh tác được trong điều kiện khô hạn. Anh Nguyễn Khắc Phòng (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) cho biết: Năm 2014, ứng phó với tình hình hạn hán gay gắt, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ bà con địa phương triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất. Nhờ áp dụng công nghệ này, hàng ngàn ha đất khô cằn đã được phủ xanh bởi các loại cây trồng.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhìn nhận: Trong điều kiện khô hạn của tỉnh ta, để thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng bền vững, bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng mới, thì việc nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước là rất cần thiết. Ngành Nông nghiệp nên đánh giá lại hiệu quả áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho từng loại cây trồng, qua đó lựa chọn công nghệ tối ưu chuyển giao cho nông dân.