Nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn, Toán ở cấp THCS

(NTO) Môn Ngữ văn và Toán có vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông. Đây là 2 môn giúp hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh (HS), do đó việc nâng cao chất lượng dạy học 2 môn Ngữ văn, Toán đã được các trường THCS trên địa bàn tỉnh chú trọng với nhiều đổi mới, sáng tạo theo định hướng phát triển năng lực cho HS.

Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn), việc nâng cao chất lượng dạy học 2 môn Ngữ văn, Toán đã được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm ngay từ đầu năm học. Lãnh đạo nhà trường đã định hướng cho giáo viên xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học, bồi dưỡng, phụ đạo ngay trong tiết dạy theo chủ đề tự chọn hay kế hoạch nội dung ôn tập, nhằm hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất cho HS. Cô giáo Văn Thị Thanh Thúy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo cho Tổ chuyên môn Ngữ văn và Toán trong quá trình sinh hoạt chuyên môn, thảo luận, chia sẻ, tìm ra những giải pháp, hình thức hỗ trợ phù hợp, cụ thể đối với những HS yếu kém và hỗ trợ nâng cao đối với những HS khá, giỏi. Từ đó, xây dựng khung phân phối chương trình dạy học môn Ngữ văn, Toán phù hợp, đáp ứng mục tiêu đề ra; tạo sự hứng thú cho HS trong mỗi tiết dạy, nghĩa là phải linh hoạt, sáng tạo trong mỗi tiết dạy.

 

Trường THCS Nguyễn Trường Tộ tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn, Toán.

Tại Trường PT DTBT THCS Ngô Quyền (Bác Ái), việc nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn, Toán cũng được nhà trường đề ra nhiều giải pháp tích cực, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác phụ đạo HS yếu kém 2 môn này. Theo cô giáo Vương Thị Yến, Phó Hiệu trưởng nhà trường, do đặc thù là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên chất lượng đầu vào HS còn thấp, HS hay nghỉ học, ham chơi, do vậy việc dạy và học còn nhiều khó khăn nhất định. Đối với môn Ngữ văn, nhà trường đã phân loại HS theo khả năng, trong đó tăng cường tập đọc, luyện chính tả; cho HS hoạt động nhiều; dạy vừa ngưỡng tiếp thu của HS và nâng dần lên theo thời gian; bố trí HS khá giỏi ngồi cạnh những HS yếu kém để giúp đỡ. Đối với môn Toán, khi HS bước vào lớp 6 sẽ phân loại HS để có kế hoạch cụ thể, công tác phụ đạo HS yếu kém được tiến hành thường xuyên trong các tiết học chính và các tiết phụ đạo; ngoài ra, giáo viên phải xây dựng kế hoạch giảng dạy theo đối tượng HS và tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học.

Thực tế cho thấy, qua 1 năm thực hiện nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn, Toán ở cấp THCS theo định hướng phát triển năng lực cho HS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đa số các trường đều đã tổ chức đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, tiêu biểu như tại huyện Ninh Hải, Thuận Bắc đã xây dựng, sắp xếp lại chương trình phù hợp với điều kiện từng trường. Tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Hải đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực HS trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của HS, thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học để lôi cuốn HS học tập, hướng dẫn HS rèn luyện kỹ năng tự học; sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với khả năng tiếp thu của HS dân tộc thiểu số…

Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Các trường THCS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có rất nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng dạy học 2 môn Ngữ văn, Toán. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học 2 môn này vẫn còn chậm, chưa có giải pháp cụ thể, rõ nét, mang đặc trưng riêng của nhà trường. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học môn Ngữ văn, Toán ở cấp THCS, sở yêu cầu các trường học tiếp tục sắp xếp, xây dựng lại chương trình dạy học môn Ngữ văn, Toán theo định hướng phát triển năng lực của HS; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng tích cực; thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học nhằm hỗ trợ giáo viên tìm ra các giải pháp thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng dạy học; tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo trong trường THCS, qua đó giúp HS hình thành năng lực, phẩm chất.