Thủ tướng điểm một yếu huyệt về kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một mặt cảnh báo về hậu quả mà nền kinh tế phải gánh chịu từ tình trạng quan hệ thân hữu, mặt khác vừa cảnh báo những đối tượng đang trục lợi dựa trên quan hệ ấy.

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu
đang bóp chết việc làm ăn chân chính.

Tại Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa diễn ra cuối tuần trước, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tới tình trạng các doanh nghiệp làm ăn dựa trên quan hệ không minh bạch với chính quyền.

“Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng: Quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm”, Thủ tướng chỉ rõ.

Đây là thông điệp rất mạnh mẽ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi tới đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Đáng chú ý, đây cũng là vấn đề được Thủ tướng nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi, Đảng và Chính phủ đã, đang và sẽ làm gì để phát triển doanh nghiệp?

Quan hệ thân hữu có rất nhiều dạng thức nhưng dù ở dạng thức nào, thì nó cũng gắn liền với lợi ích nhóm, tham nhũng, trục lợi. Ở dạng đơn giản nhất, đó chính là tình trạng “sân sau”, giành lấy những hợp đồng, những cơ hội kinh doanh với cơ quan nhà nước thông qua quan hệ với những người nắm quyền quyết định. Ở mức cao hơn, các doanh nghiệp có thể vận động, “lobby” chính sách để người có thẩm quyền ban hành các chính sách có lợi cho mình, hạn chế cạnh tranh của các đối thủ.

Trong Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới xây dựng, các tác giả cũng đã nhiều lần nhắc tới tình trạng thiên vị các doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân có quan hệ thân hữu với nhà nước, đã làm giảm khả năng của cơ quan nhà nước trong việc ban hành các quy định phù hợp tối ưu với nguyên tắc quản lý kinh tế lành mạnh, làm méo mó thị trường.

Trên thực tế, quan hệ thân hữu có thể giúp một vài doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, thậm chí vượt bậc, nhưng sự phát triển đó không bền vững. Dựa trên nền tảng như vậy, doanh nghiệp dù lớn đến đâu cũng không thể cạnh tranh được khi vươn tới các thị trường nước ngoài.

Nghiêm trọng trọng hơn, sự “bành trướng” của những doanh nghiệp thân hữu còn làm méo mó thị trường, chèn ép các doanh nghiệp khác, làm nản lòng những người làm ăn chân chính, làm thui chột những sáng tạo, những nỗ lực cạnh tranh lành mạnh.

Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đã nhiều lần khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính kiến tạo, hành động, liêm chính, trong sạch, nói không với tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng cũng đã nhiều lần khẳng định tháo gỡ mọi khó khăn, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao tất cả những nỗ lực nói trên. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, điều các doanh nghiệp làm ăn chân chính cần nhất không phải là những ưu đãi, mà là một thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng cho tất cả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất ngắn gọn nhưng rất mạnh về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng quan hệ thân hữu, đó là “bóp chết” việc làm ăn chân chính. Có thể nói, người đứng đầu Chính phủ đã điểm đúng một yếu huyệt của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện yêu cầu này không phải dễ dàng.

Để xóa bỏ tình trạng quan hệ thân hữu, phải có một hệ thống các giải pháp đồng bộ. Như hoàn thiện thể chế, giảm vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước chuyển đổi vai trò từ sản xuất kinh doanh sang xây dựng khuôn khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng, tăng cường các cơ chế giám sát… Đây cũng chính là những giải pháp mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai.

Rõ ràng, chặng đường phải đi còn rất gian nan và chắc chắn sẽ gặp nhiều cản trở, mà trước hết từ chính những người đang hưởng lợi từ các quan hệ thân hữu. Phát biểu của Thủ tướng không chỉ cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của tình trạng quan hệ thân hữu, mà còn khẳng định Chính phủ sẽ không khoan nhượng trong “cuộc chiến” này.

Nguồn www.chinhphu.vn