Hưởng ứng Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016:

Hãy chung tay...

(NTO) Có rất nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy bạo lực trên cơ sở giới chống lại phụ nữ và trẻ em gái bắt đầu ngay từ giai đoạn thai nhi và diễn ra trong suốt cuộc đời của người phụ nữ. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ có thể phải chịu đựng những hình thức bạo lực khác nhau mang tính đặc trưng như giai đoạn thai nhi thường gặp đối với thai nhi gái có thể bị nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính; người phụ nữ mang thai có thể bị áp đặt dẫn tới những tác động tiêu cực về thể chất và tình cảm gây ảnh hưởng đến kết quả sinh đẻ; tình trạng sức khỏe, thể chất, tâm lý của con cái hoặc phụ nữ có thể bị ép buộc mang thai… Giai đoạn sơ sinh thì trẻ sơ sinh gái bị phân biệt đối xử trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc y tế; có những trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ sơ sinh gái có thể bị giết hại. Thời thơ ấu, trẻ em gái có thể phải đối mặt với các tục tảo hôn, bị lạm dụng tình dục hay bị buộc phải làm mại dâm; bị phân biệt đối xử trong nuôi dưỡng, chăm sóc y tế và giáo dục so với trẻ em trai. Thời niên thiếu, trẻ em gái có thể phải đối mặt với bạo lực tình dục, bị buộc phải làm mại dâm hoặc quan hệ tình dục vì lý do kinh tế; bị quấy rối, lạm dụng tình dục ở trường học; bị hiếp dâm… Ở độ tuổi sinh sản, người phụ nữ có thể bị ngược đãi, bị hiếp dâm trong đời thường và cả trong hôn nhân, bị quấy rối hoặc lạm dụng tình dục ở nơi làm việc, nơi công cộng và ở tuổi già, người phụ nữ góa bụa có thể bị ngược đãi, chịu nhiều áp lực về tinh thần…

Với đặc tính kín đáo, cam chịu, phụ nữ và trẻ em gái thường ít khi bộc lộ tình trạng bạo lực nên việc phòng ngừa và chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái cần phải nhận biết các đặc điểm nêu trên để có những giải pháp thiết thực, phù hợp, nhằm góp phần hạn chế, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Có nhiều giải pháp cần nghiên cứu áp dụng và những giải pháp có tính chất cơ bản và chủ yếu là:

Trước hết, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người (đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013) là rất quan trọng. Quyền con người được xác định đúng chính là nguồn gốc chống lại sự phân biệt đối xử. Lịch sử xã hội càng phát triển với nền văn hóa văn minh thì quyền con người phải được tôn trọng; không phân biệt thành phần, dân tộc, tôn giáo, giới tính… Đó là cách giáo dục thấu hiểu đặc điểm về “giới” và những nội dung giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người cần phải được chú trọng trong mọi gia đình, ở các trường học, các bậc học (tất nhiên là cần phải nghiên cứu biên soạn giáo trình trong hệ thống giáo dục hiện nay).

Điều 3, Khoản 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã xác định nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình có thể áp dụng để thực hiện phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là phải kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền con người với những truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Phụ nữ luôn được coi là “người giữ lửa” (nói cách khác là người giữ tổ ấm gia đình). Mọi hành vi xâm phạm hoặc chống lại phụ nữ đều là hành vi làm tổn hại hạnh phúc gia đình. Trong mọi giai đoạn, việc thực hiện tư vấn pháp luật để giúp cho mọi người nhận rõ ý nghĩa phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là trách nhiệm của cộng đồng xã hội. Góc độ về “giới” trong trường hợp này càng quan trọng hơn; chỉ có thể trên cơ sở giới thì việc chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái mới hội đủ tính khả thi.

Việc chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đòi hỏi giải pháp phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư phải được xem là giải pháp mang tính thường xuyên và lâu dài. Phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư không chỉ có tác dụng hạn chế tình trạng cố ý dùng các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, mà còn có tác dụng ngăn ngừa những trường hợp vô cảm, thờ ơ trước những nỗi đau do bạo lực mang đến đối với phụ nữ và trẻ em gái. Giải pháp này cần gắn chặt với việc nghiên cứu các đặc điểm, tính chất bạo lực đối với mỗi giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ để có cách vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Có không ít trường hợp phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực xâm phạm nhưng còn nhiều lý do nên không bộc lộ (đặc biệt là những lý do thuộc nhóm bạo lực tình dục và kinh tế)… Vì vậy, trường hợp nào phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư với quy mô nhiều hay ít và thậm chí có những trường hợp chỉ nên áp dụng phương pháp góp ý, phê bình cá biệt thì hiệu quả giáo dục, phòng ngừa mới được nâng cao.

Không thể thiếu việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Phát hiện kịp thời là giải pháp rất quan trọng trong phòng ngừa; xử lý nghiêm minh không chỉ để chống, răn đe, loại trừ tiến tới xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, mà còn là giải pháp phòng ngừa tích cực đang đòi hỏi những biện pháp tư pháp cần quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

Xây dựng mô hình theo hướng “con người cụ thể, địa chỉ cụ thể” để chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một giải pháp đem lại niềm tin cho mọi người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực. Muốn làm được điều này, ý nghĩa của việc “chung tay” không phải là lời kêu gọi mà phải là những hành động cụ thể cần phải có. Xu hướng hiện nay đang đòi hỏi cộng đồng dân cư phải có nhiều hơn những việc làm tử tế; những con người tử tế và vì thế Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” rất cần sự vào cuộc “chung tay” của mọi người và việc ấy cần được thường xuyên, liên tục, không chỉ trong năm 2016 mà còn cho cả tương lai. Xin mọi người hãy cùng chung tay…