Nâng cao thị hiếu thưởng thức văn học trẻ

(NTO) Những năm gần đây, nền văn học trẻ Việt Nam phát triển khá nhanh, phong phú về nội dung, thể loại, xuất hiện ngày càng nhiều ấn phẩm văn học, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Nội dung của sách tạp văn, tản văn thường là những cảm xúc, chia sẻ ngắn về tình bạn, tình yêu, quan hệ xã hội…, còn du ký, bút ký thường là những câu chuyện nhỏ, những ghi chép về ẩm thực, phong cảnh, con người của một vài vùng đất…, với lối viết dễ đọc, dễ thưởng thức, phù hợp với thị hiếu đọc nhanh của khá đông bạn trẻ. Bởi việc đọc những cuốn sách dày cộm không “thu hút” độc giả bằng đọc một quyển sách tập hợp những bài viết cảm xúc ngắn.

Thực tế, với số lượng nhà xuất bản nhiều và việc in ấn thuận lợi như hiện nay, nhiều cuốn tạp văn, tản văn, bút ký, du ký được xuất bản khá dễ dàng. Thế nhưng, chất lượng không đi cùng số lượng. Tác giả-tác phẩm ấn tượng với độc giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, ngay cả những tên tuổi nổi bật trên “văn đàn trẻ” thì ấn phẩm không có gì đáng kể về nội dung, đa phần xoay quanh những câu chuyện tản mạn về yêu đương như Nhật ký son môi, Chênh vênh hai lăm, Người cũ còn thương, Thương nhau để đó, Điều tự nhiên nhất, Đợi chờ ký ức, Ngày trôi về phía cũ… của những cây bút “khá nổi” hiện nay Gào, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Iris Cao, Minh Nhật… Đó là nỗi buồn của người thưởng thức.

Có thể nói xu hướng thưởng thức văn học của giới trẻ hiện nay đang có sự chuyển dịch theo tâm lý đám đông. Khá đông bạn trẻ chọn mua và đọc sách tạp văn, tản văn, bút ký, du ký bị chi phối bởi những chiêu quảng cáo rầm rộ từ phía nhà xuất bản, đơn vị phát hành, mạng xã hội cũng như chính bản thân tác giả là “thần tượng” của giới trẻ từ trước ở những lĩnh vực không liên quan gì đến văn chương… Đánh vào hiệu ứng đám đông, nhiều tác giả đã tận dụng truyền thông, mạng xã hội để tạo “sức hút” cho tác phẩm của mình. Vì thế, việc chọn đọc tác phẩm theo phong trào khiến cho những giá trị văn học đích thực dần bị khuất lấp.

Thiết nghĩ, để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong thưởng thức tác phẩm văn học trẻ rất cần sự quan tâm, định hướng của các nhà phê bình ngay khi tác phẩm vừa ra đời, để kịp thời định hướng công chúng, nhất là giới trẻ. Đồng thời, mỗi tác giả cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với “sáng tạo nghệ thuật” của mình, để mỗi tác phẩm khi đến với bạn đọc đều chuyển tải những thông tin giáo dục, góp phần nâng cao cảm xúc thẩm mỹ, nhận thức, hiểu biết xã hội, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người đọc. Và trên hết, mỗi độc giả cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, đặc biệt hãy là bạn đọc “khó tính” khi đến với tác phẩm văn học trẻ.