Tăng cường phòng, chống vi-rút Zika và sốt xuất huyết

(NTO) Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tính đến ngày 14-11, toàn tỉnh đã xảy ra 57 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với 630 ca mắc (không có trường hợp tử vong), tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2015. Do điều kiện thời tiết mưa ẩm, thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh, nên việc phòng ngừa vi-rút Zika và SXH là rất cần thiết hiện nay.

Huyện Ninh Phước là một trong những địa phương có số ca mắc SXH cao nhất toàn tỉnh. Điều đáng lo ngại hiện nay là chỉ số côn trùng (muỗi truyền bệnh) tại địa bàn đang tăng rất cao, vượt mức cảnh báo dịch sau những tháng mưa vừa qua. Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận 182 ca mắc SXH, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015; trong đó tập trung nhiều ở các xã Phước Hữu, An Hải, Phước Thuận và thị trấn Phước Dân. Trước tình hình số ca mắc bệnh tăng đột biến, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để giám sát tình hình bệnh và diệt muỗi truyền bệnh. Theo Bác sỹ Quảng Đại Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước, một số người dân chưa có ý thức diệt lăng quăng nên còn để một số vật dụng chứa nước đọng quanh khu vực mình sinh sống. Đây là môi trường để lăng quăng phát triển thành muỗi tiếp tục gây bệnh SXH. Để chủ động phòng ngừa, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu UBND huyện kế hoạch, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân tích cực diệt lăng quăng, thường xuyên giám sát tình hình. Qua giám sát, cho thấy chỉ số muỗi và lăng quăng toàn huyện đạt mức 30–40%, đây là chỉ số cao có nguy cơ bùng phát dịch.

 
Cán bộ y tế huyện Ninh Phước phun thuốc xử lý ổ dịch SXH.

Số ca mắc SXH phân bố 7/7 huyện, thành phố và xảy ra tại 50/65 xã, phường. Trong đó, tập trung ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 216 trường hợp, Ninh Phước 181, Ninh Hải 114, Ninh Sơn 73... Số ca mắc trong toàn tỉnh tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2015 (630/183 trường hợp). Trong khi đó, tại các huyện, thành phố: Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam chỉ số côn trùng đều tăng rất cao vượt mức cảnh báo dịch, nên nguy cơ dịch SXH bùng phát là rất lớn.

Theo ông Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tình hình này có liên quan đến tình trạng vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, còn nhiều ổ nước tù đọng trong các vật dụng phế thải xung quanh nhà ở, tình trạng trữ nước sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, chủ quan và chưa tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Nhằm chủ động tăng cường công tác phòng chống bệnh do vi-rút Zika và SXH, không để bùng phát, Sở Y tế đã chỉ đạo các bộ phận liên quan giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Mặt khác, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Nhị Linh cho biết thêm: Để công tác phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần nắm thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng tại gia đình và cộng đồng; thực hiện tốt phong trào vệ sinh phòng bệnh; chú trọng diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất, đặc biệt khu vực tập trung dân cư. Người dân khi có dấu hiệu sốt của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.