Gặp gỡ gia đình có 2 thế hệ làm nghề giáo

(NTO) Tìm về làng Chăm Văn Lâm (xã Phước Nam, Thuận Nam), chúng tôi rất vui được gặp gỡ và trò chuyện với vợ chồng thầy giáo Não Văn Anh (66 tuổi) và cô giáo Thiên Thị Nín (62 tuổi), một trong số ít gia đình tại địa phương có 2 thế hệ theo nghề cao quý, tâm huyết với nghề giáo, dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh tại địa phương. Mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, cùng hai vợ chồng chia sẻ những kỷ niệm trên bục giảng đầy xúc động.

 
Vợ chồng thầy giáo Não Văn Anh với những thành tích đạt được trong nghề.

Hơn 34 năm trong ngành Giáo dục, thầy và cô nhận được nhiều tình cảm, yêu thương của các thế hệ học sinh địa phương. Thầy giáo Não Văn Anh có 16 năm đứng lớp và làm hiệu trưởng các trường, 18 năm là Phó và Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước. Sau khi về hưu, thầy được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thuận Nam, hiện đã nghỉ. “Thâm niên” nghề của cô Thiên Thị Nín cũng chẳng “thua kém” chồng, 15 năm là giáo viên các Trường TH Hữu Đức, Trường TH Văn Lâm, 19 năm về sau, cô giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường TH Văn Lâm tới khi về hưu. Vì cùng làm chung nghề, nên hai vợ chồng hiểu được những khó khăn và luôn đồng hành giúp nhau vượt qua. Câu chuyện cảm động trong nghề mà thầy còn nhớ nhất là khoảng thời gian mới nhận lớp, phát hiện trong lớp mình có học trò chỉ có 1 quyển vở nhưng em ghi tất cả các môn học. Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của gia đình và tinh thần ham học của em, năm học ấy và những năm sau đó, thầy đã mua sách, vở tặng, động viên em cố gắng học. Hiện tại, cậu học trò năm xưa đã thành đạt và có địa vị trong xã hội thường xuyên về thăm thầy cũ. “Không có niềm vui nào bằng khi nhìn thấy những học trò của mình giờ thành đạt, trở về thăm hỏi. Đó là niềm hạnh phúc mà chỉ nghề giáo mới cảm nhận được”-cô Thiên Thị Nín nói trong xúc động.

Có được cái nôi vững chắc, các con của thầy cô không khó để tiếp cận và thăng tiến trong nghề giáo. Được sự hỗ trợ của cha mẹ nên khi tham gia những cuộc thi, phong trào do nhà trường phát động, các anh chị đều đạt thành tích cao. Thầy cô thường truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đứng lớp, công tác quản lý cho các con. Bên cạnh đó, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện cảm động về các học sinh nghèo vượt khó học giỏi, cách giáo dục học sinh cá biệt và nhiều kỷ niệm vui buồn trong nghề “gõ đầu trẻ”. Gia đình thầy cô có 3 người nối nghiệp theo nghề giáo: chị Não Thị Minh Nguyệt, hiện đang là Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Phước Nam, Thuận Nam); anh Não Thiên Anh Minh đã từng là Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp chuyên nghiệp Giao thông vận tải Đồng Nai; anh Não Thiên Minh Trí đã từng đi dạy học ở các trường trong huyện và hiện tại là chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Thuận Nam.

Nói về sự phát triển của ngành Giáo dục, thầy giáo Văn Anh chia sẻ: Tôi thấy rất vui vì ngành Giáo dục luôn đổi mới, cải tiến nhiều, trường lớp được đầu tư khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, các thầy, cô giáo ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng…, đáp ứng yêu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, ngôi nhà thầy Não Văn Anh lúc nào cũng tràn ngập những bó hoa tươi thắm, tiếng cười đùa, nói chuyện rôm rả của các cô, cậu học sinh đã từng được thầy cô dạy dỗ đến thăm. Với ngần ấy năm “đưa” những “chuyến đò tri thức”, hai vợ chồng nhà giáo đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen của ngành và địa phương… do có nhiều công sức đóng góp vào sự nghiệp “trồng người” tại quê hương.