Làm thế nào để nâng cao hiệu quả đa dạng hóa và xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật?

(NTO) Đa dạng hóa và xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là những cụm từ được dùng phổ thông trong quá trình thực hiện những hoạt động PBGDPL. Trong thời gian qua, việc đa dạng hóa và xã hội hóa công tác PBGDPL có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; tình trạng tuân thủ pháp luật trên một số lĩnh vực chưa nghiêm (nhất là việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; thi hành Luật Đất đai; tiêu cực, tham nhũng; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...).

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng đa dạng hóa và xã hội hóa công tác PBGDPL, có nhiều việc cần phải làm, trong đó những giải pháp sau đây cần được quan tâm:

Thứ nhất, chủ động và tăng cường các hình thức phối hợp liên tịch trong công tác PBGDPL: Việc Nhà nước hình thành Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL đã khẳng định điều này, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn tình trạng “khoán trắng” cho cơ quan thường trực (Sở Tư pháp) hoặc hiện tượng “mạnh ai nấy làm”. Xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, thì cách làm này không thể đem lại hiệu quả. Nhận thức điều này để chuyển hóa thành hiện thực đã được cụ thể hóa thành quy chế phối hợp nhưng nhiều năm qua hoạt động của Hội đồng chưa thể hiện, làm đúng quy chế. Ngày 9-11-2016, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Tại hội thảo, hình thức phối hợp liên tịch được xác định là mô hình nhằm đa dạng hóa chủ thể thực hiện công tác PBGDPL theo hướng “cùng chung tay” thực hiện những hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên nhiều lĩnh vực, với nhiều chủ thể tham gia thiết thực và sinh động hơn. Thực tế qua tổng kết Đề án 1133 đối với Hội Luật gia và nhiều ngành khác đã chứng minh rõ nét mối quan hệ phối hợp liên tịch giữa Hội Luật gia–Công an tỉnh-Trại giam Sông Cái về phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù và người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và các hình thức liên tịch giữa Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh với Ủy ban MTTQVN tỉnh... đã xây dựng nhiều nhân tố, điển hình mới trong công tác PBGDPL.

Thứ hai, phối hợp liên tịch nhưng phải có kế hoạch, chương trình cụ thể để tập trung vào trọng tâm, đạt mục tiêu, yêu cầu và có phân công trách nhiệm cụ thể của từng bên liên tịch. Cách làm này giúp cho những bên liên tịch có địa vị pháp lý khác nhau nhưng cùng nhìn về một hướng; thực hiện cùng mục tiêu và không để xảy ra tình trạng trùng lắp, chồng chéo khi thực hiện chức năng nhiệm vụ; cũng không “khoán trắng” cho đơn vị nào. Kế hoạch phối hợp liên tịch một khi đã được các bên đồng thuận ký kết; được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì hiệu quả pháp lý và thực tế trong công tác PBGDPL càng ổn định và nâng cao. Mối quan hệ phối hợp liên tịch này còn có hiệu ứng về sự lan tỏa, nâng cao ý thức pháp luật rất rõ nét, không chỉ đối với các bên ký kết kế hoạch liên tịch, mà còn có tác dụng rất tốt đối với các đối tượng chịu sự tác động cùng với những tổ chức khác (tính chất cộng đồng–xã hội thể hiện rất rõ nét). Kết quả sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch liên tịch giữa Hội Luật gia–Công an tỉnh–Trại giam Sông Cái có thể được xem là một điển hình về sự gắn kết, cộng đồng trách nhiệm giữa những người làm công tác quản giáo trong Trại giam, giới Luật gia, các đoàn thể, tổ chức xã hội; gia đình và những phạm nhân trong lĩnh vực tạo điều kiện để những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ ba, vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tạo hành lang pháp lý và môi trường lành mạnh để phát huy hiệu quả xã hội hóa, đa dạng hóa công tác PBGDPL có ý nghĩa rất quan trọng nâng cao hiệu quả. Thực tế rất nhiều việc nhưng có thể điển hình là gần đây mô hình “Điểm cà phê giao lưu pháp luật” theo đề án của Hội Luật gia đang được thực hiện là một minh chứng... Tương tự, nhiều hình thức phối hợp liên tịch khác và nhất là khi thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL thì vai trò quản lý, kiểm soát của Nhà nước là rất quan trọng về tính hiệu lực và hiệu quả.

Thứ tư, sự đồng thuận của xã hội là nhân tố vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác PBGDPL. Muốn làm được điều này thì vai trò của chủ thể có trách nhiệm tổ chức, thực hiện công tác PBGDPL là nhân tố có tính quyết định. Sự thuyết phục để đạt được đồng thuận đòi hỏi mọi việc đều phải chú ý đạt lý thấu tình, vì lợi ích của cộng đồng (trong đó có lợi ích của mỗi người) thì hiệu quả càng tốt hơn...

Tóm lại, các nhóm giải pháp nêu trên có ý nghĩa tích cực nâng cao hiệu quả đa dạng hóa, xã hội hóa công tác PBGDPL và vấn đề then chốt là phải tập trung đa dạng hóa chủ thể thực hiện công tác PBGDPL từ cả hai phía (chủ thể thực hiện và chủ thể là đối tượng hưởng thụ kết quả); trong đó, vai trò của Nhà nước, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là hết sức quan trọng; cùng với sự tích cực theo hướng “thiện nguyện” của mọi người trong xã hội có ý nghĩa quyết định chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. Đặc biệt, vai trò tham gia của hệ thống thông tin; các thiết chế văn hóa và việc thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở tạo nên hiệu quả tác động lan tỏa, thiết thực, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL...