VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu!

(NTO) Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, có thể nói đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn, tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, bước đầu hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước nói chung và hàng sản xuất tại địa phương nói riêng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh, từ đầu năm đến nay các cơ quan, đơn vị, Mặt trận các cấp… đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể, thiết thực để đưa cuộc vận động thấm sâu trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân, góp phần thay đổi hành vi trong tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt… Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp tham gia bán hàng Việt; tổ chức các hội chợ, triển lãm; đưa hàng Việt về nông thôn; bình ổn giá thị trường… được thực hiện tốt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 3 hội chợ cấp tỉnh, gần đây nhất là Hội chợ triển lãm Nho và Vang kết hợp ẩm thực. Thông qua hội chợ không những giới thiệu những sản phẩm đặc thù, tiềm năng sẳn có của điạ phương mà còn là cơ hội để giúp sản phẩm của các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Việc hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề… về các hội chợ trong và ngoài nước để có kế hoạch tham gia được ngành chức năng chú trọng thực hiện. Đến nay đã có 59 lượt cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tham gia. Đặc biệt, hoạt động kết nối thị trường đã từng bước được quan tâm thông qua các hội nghị liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất…tìm hiểu và ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Điều cũng rất đáng ghi nhận là, hiện nay hầu hết các sản phẩm đặc thù của tỉnh đã có mặt trong hệ thống bán lẻ uy tín như Co.op Mart; Vinmart, Big C, Lotte…Thực hiện đưa phiên chợ hàng Việt về nông thôn theo Quyết định số 206/QĐ-BCT ngày 18-1-2016 của Bộ Công Thương khá hiệu quả. Đến nay đã tổ chức 3 phiên chợ tại các huyện Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước, thu hút 31 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút trên 18.000 lượt người dân tham quan, mua sắm đạt doanh thu trên 775 triệu đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thực hiện 57 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân.

Người tiêu dùng mua nho xanh Ninh Thuận tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm… với chất lượng ngày càng nâng cao, giá thành hợp lý để cạnh tranh với hàng ngoại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng...Từ đó, người tiêu dùng cũng ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất. Để Cuộc vận động tiếp tục tạo sức lan tỏa, thực hiện Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020, vừa qua Sở Công Thương đã tham mưu đề xuất Bộ Công Thương phê duyệt 7 Dự án Xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2017 trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Cuộc vận động vẫn còn không ít khó khăn. Nhiều hội chợ mới chỉ dừng ở việc trưng bày, giới thiệu hoặc bán lẻ thuần túy mà chưa thực sự gây dựng được thương hiệu Việt trong người tiêu dùng. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại chưa nhiều... nên đã có những tác động nhất định tới chất lượng Cuộc vận động...

Để Cuộc vận động thực sự phát huy hiệu quả, trong thời gian tới cùng với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt Đề án của Chính phủ như đã nêu trên; hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng phạm vi, mạng lưới cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, chú trọng đến các vùng nông thôn, miền núi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Phối hợp với các ngành của tỉnh tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình quảng bá hàng Việt. Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ sản phẩm uy tín, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về quyền lợi, trách nhiệm của người dân Việt trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt…