Việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên

Sáng 27-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra Ảnh: Đình Nam

Việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Việc giải quyết yêu cầu bồi thường phải được thực hiện tại cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định của Luật này trước khi khởi kiện ra Tòa án. Trường hợp có yêu cầu giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong tố tụng thì cơ quan, người có thẩm quyền không xem xét, giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.”

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường trong dự thảo Luật có sự thay đổi cơ bản so với quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành. Theo đó, mọi yêu cầu về bồi thường đều phải được thực hiện trước hết tại cơ quan giải quyết bồi thường; trong quá trình giải quyết khiếu nại theo thủ tục hành chính hoặc trong quá trình tố tụng không xem xét giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kể cả trường hợp xác định có hành vi vi phạm của người thi hành công vụ gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Theo Ủy ban Pháp luật, báo cáo tổng kết thi hành Luật và Tờ trình không nêu rõ lý do của việc thay đổi này.

Ủy ban pháp luật cho rằng, việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, không nên hành chính hóa thủ tục giải quyết bồi thường. Vì vậy, bên cạnh trình tự giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này thì quyền yêu cầu bồi thường có thể được thực hiện kết hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính theo các luật khác có liên quan mà không nên hạn chế chỉ theo Luật này. Điều quan trọng là các bên phải thống nhất về các thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường; việc xác định thiệt hại và chứng minh các thiệt hại phải rõ ràng, minh bạch, bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Hơn nữa, việc cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tố tụng như quy định của Luật hiện hành sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho cả hai bên, đồng thời cũng phù hợp với quy định tại nhiều luật hiện hành như Luật khiếu nại năm 2011, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015.

Với những lý do nêu trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị ban soạn thảo giữ các quy định như hiện hành về quyền yêu cầu bồi thường và nguyên tắc giải quyết bồi thường.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ.

Cân nhắc các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, dự thảo Luật đã kế thừa và sửa đổi các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009, bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Luật khiếu nại năm 2011, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015...

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban pháp luật đề nghị cân nhắc các quy định này của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với các đạo luật khác có liên quan. Bởi vì, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” (Điều 30); “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự” (Điều 31). Như vậy, quyền được bồi thường là quyền hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, một hành vi hay một trường hợp cụ thể nào. Dự thảo Luật liệt kê các trường hợp cụ thể trong ba lĩnh vực được bồi thường là chưa bảo đảm tính bao quát, đầy đủ.

Hơn nữa, Điều 598 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Điều đó có nghĩa là, các trường hợp người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại mà không được liệt kê trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ không áp dụng được các quy định của Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại không được pháp luật bảo vệ đầy đủ theo tinh thần Hiến pháp. Bên cạnh đó, một số luật hiện hành như Luật tiếp cận thông tin, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật tố cáo,… cũng có quy định dẫn chiếu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tới Luật này, nhưng đối chiếu với các trường hợp cụ thể quy định trong dự thảo Luật về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính lại không có các nội dung tương ứng với quy định tại các luật nói trên.

Nguồn: quochoi.vn