Những sản phẩm đặc thù: Sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu sản phẩm nước mắm Cà Ná

(NTO) Hiện nay, toàn huyện Thuận Nam có 268 đơn vị sản xuất nước mắm, tập trung ở 2 xã Cà Ná và Phước Diêm (gọi chung là Nước nắm Cà Ná), phần lớn đều là những cơ sở lâu đời, nhiều kinh nghiệm và có sẵn tàu cá nên thường chủ động được nguồn nguyên liệu tươi nhất để chế biến nước mắm. Dù rằng thơm ngon “nức tiếng” nhưng cũng như đa số các nơi sản xuất nước mắm truyền thống khác, Nước mắm Cà Ná phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu nước mắm công nghiệp. Do quy trình làm nước mắm truyền thống khá công phu, lại mất thời gian dài, giá nguyên liệu đầu vào lại liên tục tăng, nên giá bán ra thị trường luôn cao hơn nước mắm công nghiệp. Hiện giá nước mắm truyền thống dao động từ 60.000-150.000 đồng/lít, tùy độ đạm cao hay thấp. Trong khi đó, nước mắm công nghiệp có giá bán rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 15.000 đồng/lít, lại có hệ thống phân phối rộng khắp, tiện lợi cho người tiêu dùng.

 
Nhãn hiệu Nước mắm Hồng Hương, 1 trong những thành viên của HTX Nước mắm Cà ná.

Mặc dù, thị trường tiêu thụ Nước mắm Cà Ná không chỉ giới hạn ở Ninh Thuận mà các tỉnh, thành phố lớn khác như TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… đều có các cửa hàng giới thiệu Nước mắm Cà Ná. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề thương mại hóa đối với sản phẩm “Nước mắm Cà Ná” chưa thực sự phát huy hiệu quả. Điều đó đòi hỏi cần có chiến lược để phát triển sản phẩm đặc thù này, trong đó có chiến lược xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho Nước mắm Cà Ná.

Nước mắm Cà Ná được biết đến với hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất, chất lượng của sản phẩm có vị mặn và ngọt đậm, có mùi thơm nhẹ đặc trưng và không có mùi tanh, có màu nâu đỏ sậm đẹp mắt và đảm bảo hàm lượng đạm trong nước mắm vì được chế biến từ nguyên liệu cá cơm tươi sống. Thứ hai, điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế-xã hội của Ninh Thuận đã thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ, góp phần quảng bá danh tiếng đặc sản này.

Ngày 11-4-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 133/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học-công nghệ trên địa bàn tỉnh và “Nước mắm Cà Ná” là một trong những đối tượng được hỗ trợ của chương trình. Quyết định này đã khẳng định chủ trương của tỉnh trong việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản tại địa phương.

UBND tỉnh giao cho các cơ quan chuyên môn chủ trì việc xây dựng các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các hàng hóa là đặc sản của địa phương. Liên quan đến nhãn hiệu tập thể, trên thực tế, tỉnh đã xây dựng thành công một số nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản như: Tỏi Phan Rang, Táo Ninh Thuận, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Măng khô Bác Ái, Rau an toàn Văn Hải... đã dần khẳng định được vị thế trên thị trường. Tuy nhiên đến nay, tỉnh vẫn chưa xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận nào. Nước mắm là đặc sản của Ninh Thuận nói chung, của xã Cà Ná và Phước Diêm nói riêng. Bởi lẽ, sản phẩm này được chế biến từ nguồn nguyên liệu đánh bắt tươi sống và theo phương pháp chế biến của địa phương, dựa vào điều kiện địa lý tự nhiên, đặc biệt là khí hậu nơi đây. Sản phẩm “Nước mắm Cà Ná” là một đặc sản mang tính chất rất đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná” còn xuất phát từ chính nhu cầu thực tế. Với ưu thế của nhãn hiệu chứng nhận là chủ sở hữu không được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trên sản phẩm của mình và phần lớn nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam có sự tham gia quản lý của cơ quan nhà nước, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná” sẽ góp phần thúc đẩy việc khai thác thương mại sản phẩm, nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm.

Mặt khác, xây dựng, quản lý và phát triển thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Nước mắm Cà Ná” góp phần đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm du lịch của huyện Thuận Nam nói riêng và của tỉnh nói chung, tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho sản phẩm Nước mắm Cà Ná trên thị trường đối với những sản phẩm nước mắm công nghiệp như hiện nay. Đồng thời, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná” còn góp phần khẳng định hơn nữa chất lượng của nước mắm Cà Ná, nâng cao giá trị thương phẩm và tạo cơ sở vững chắc, an tâm cho người tiêu dùng khi sử dụng, từ đó nâng cao giá trị kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương.