Công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng 2016

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, những hiện tượng thời tiết cực đoạn sẽ rõ rệt hơn, số lượng bão mạnh đến rất mạnh tăng, số ngày rét đậm, rét hại giảm; số ngày nắng nóng (nhiệt độ lớn hơn 35 độ C) tăng; hạn hán trở nên khắc nghiệt hơn do nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm trong mùa khô.

Ngày 25/10, tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản 2016 đã được công bố.

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản năm 2016 được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa và bổ sung các kịch bản công bố trước đây. Các số liệu về khí tượng thủy văn, mực nước biển và địa hình của Việt Nam đã được cập nhật.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phương pháp mới nhất trong Báo cáo đánh giá khí hậu lần thứ 5 của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, các mô hình khí hậu toàn cầu, các mô hình khí hậu khu vực và phương pháp thống kê đã được sử dụng để tính toán chi tiết cho khu vực Việt Nam.

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng được xây dựng theo 2 kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5 cho các yếu tố: Nhiệt độ, mưa (trung bình, theo mùa, cực đoan), cực đoan khí hậu (bão, gió mùa, nắng nóng, rét đậm rét hại, hạn hán), mực nước biển dâng đối với các tỉnh ven biển và hải đảo, nguy cơ ngập úng với các mức nước biển dâng.

Theo đó, đến cuối thế kỷ, kịch bản RCP 4.5: Ở phía bắc, nhiệt độ tăng 1,9-2,4 độ C, ở phía nam tăng 1,7-1,9 độ C. Nhiệt độ thấp nhất và cao nhất trung bình tăng rõ rệt. Kịch bản RCP 8.5: Nhiệt độ ở phía bắc tăng 3,3-4 độ C, phía nam tăng 3,0-3,5 độ C.

Lượng mưa cũng tăng trên phạm vi toàn quốc. Kịch bản RCP 4.5: Lượng mưa tăng phổ biến 5-15%. Lượng mưa mùa khô ở một số vùng giảm. Kịch bản RCP 8.5: Mức tăng nhiều nhất có thể lớn hơn 20% ở hầu hết Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, một phần Nam Bộ và Tây Nguyên.

Một số hiện tượng thời tiết cực đoan cũng thay đổi rõ rệt: Số lượng bão mạnh đến rất mạnh tăng, thời điểm bắt đầu của gió mùa mùa hè sẽ bắt đầu sớm hơn, kết thúc muộn hơn; mưa gió mùa tăng; số ngày rét đậm, rét hại giảm; số ngày nắng nóng (nhiệt độ lớn hơn 35 độ C) tăng; hạn hán trở nên khắc nghiệt hơn do nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm trong mùa khô.

Kịch bản nước biển dâng đến năm 2100, theo kịch bản PCP 4.5: Nước biển dâng cao nhất ở Hoàng Sa là 58 cm, Trường Sa 57cm, Móng Cái - Hòn Dáu và Hòn Dáu - Đèo Ngang 53 cm. Còn theo kịch bản RCP 8.5: Cao nhất ở Hoàng Sa 78cm, Trường Sa 77cm, Móng Cái - Hòn Dáu và Hòn Dáu - Đèo Ngang 72cm.

Theo tính toán, nguy cơ ngập úng với nước biển dâng 100 cm là: 16% với đồng bằng sông Hồng, 1,5% các tỉnh ven biển miền Trung, 17,8% với Thành phố Hồ Chí Minh và 38,9% với đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều điểm mới so với các phiên bản trước

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cho Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu Trần Thục, so với kịch bản năm 2012, kịch bản năm 2016 có nhiều điểm cập nhật mới quan trọng.

Cụ thể, sử dụng số liệu cập nhật đến năm 2014 bao gồm số liệu của 150 trạm quan trắc trên đất liền và hải đảo thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, số liệu mực nước biển của 17 trạm hải văn ven biển và hải đảo, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh.

Sử dụng phương pháp chi tiết hóa động lực dựa trên 5 mô hình khí hậu khu vực độ phân giải cao; phương pháp thống kê để hiệu chỉnh kết quả tính toán của các mô hình động lực theo số liệu thực đo tại các trạm quan trắc nhằm phản ánh điều kiện cụ thể của địa phương và giảm sai số hệ thống của mô hình.

Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và một số cực trị khí hậu chi tiết cho 63 tỉnh/thành phố, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và chi tiết cho 150 trạm khí tượng. Xây dựng kịch bản nước biển dâng chi tiết cho 28 tỉnh ven biển, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Kịch bản 2016 cũng đánh giá nguy cơ ngập do nước biển dâng cho các khu vực đồng bằng, ven biển, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Đối với các khu vực có bản đồ địa hình tỉ lệ 1:2000, mức độ chi tiết của bản đồ nguy cơ ngập là đến cấp xã.

Một điểm mới nữa là kịch bản 2016 có nhận định về mực nước cực trị, gồm nước dâng do bão, thủy triều và nước dâng do bão kết hợp với thủy triều ven bờ Việt Nam để người sử dụng có thể hình dung được những tác động kép của nước biển dâng do biến đổi khí hậu và cực trị mực nước biển do các yếu tố tự nhiên như nước biển dâng do bão và triều cường.

Đặc biệt, kịch bản mới đưa ra nhận định về một số yếu tố có tác động kép đến nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu, bao gồm nâng hạ địa chất và sụt lún do khai thác nước ngầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển miền Trung.

Nguồn www.chinhphu.vn