Tăng cường phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão

(NTO) Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa có Công văn số 909-CV/TU, ngày 18-10-2016 về việc chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão năm 2016 trên địa bàn tỉnh.

Nội dung Công văn của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nêu rõ: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa trên diện rộng, đặc biệt một số địa phương có mưa to đến rất to, vì vậy nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, ngập úng là rất cao. Để chủ động phòng, chống, ứng phó và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các Sở, ban ngành chức năng và các huyện, thành ủy tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1- Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 2569/CT-BNN-TCTL, ngày 01/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2016. Đồng thời, xác định công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, với tinh thần chủ động, tích cực.

2- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa, lũ trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thông tin truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để các cấp chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh; đẩy mạnh công tác dự báo, nhận định diễn biến thời tiết, mưa, lũ để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, các ngành và địa phương; tổ chức kiểm tra, đánh giá và có phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, các công trình thủy lợi, giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, rà soát các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực ven sông suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có mưa, lũ xảy ra; đồng thời nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân của tỉnh đang hoạt động trên biển để kịp thời thông báo và hướng dẫn nơi trú ẩn an toàn khi có mưa bão. Tiến hành rà soát và có phương án dự trữ vật tư, trang thiết bị, phương tiện, hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết để chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố; nhất là lương thực và nước uống để sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai, lũ lụt khi có yêu cầu.

3- Khi có mưa, lũ xảy ra tổ chức trực ban nghiêm túc và chủ động triển khai thực hiện tốt phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nhất là phương châm “bốn tại chỗ”; đồng thời, bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết và khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm giao thông; chủ động thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân; thường xuyên báo cáo tình hình phòng, chống mưa, bão về Thường trực tỉnh uỷ để kịp thời cho ý kiến chỉ đạo.