Nông dân Bác Ái đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

(NTO) Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân huyện Bác Ái từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên diện tích canh tác.

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 11.500ha, nếu những năm trước đây, các công đoạn như làm đất, gieo cấy đến khi thu hoạch nông dân đều sử dụng sức kéo của gia súc, chiếm khá nhiều thời gian và sức lực thì giờ đây vào những ngày mùa, trên các cánh đồng của huyện Bác Ái nông dân đã từng bước đưa máy móc vào từng khâu sản xuất.

 
Nông dân Bác Ái sử dụng máy móc vào khâu làm đất.

Theo thống kê, toàn huyện Bác Ái có 154 máy cày các loại, máy xới đất, máy gặt…, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất đối với các loại cây trồng chính như lúa, mía, mỳ… từ các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển đạt trên 80%. Qua việc đưa cơ giới vào sản xuất, nhiều vùng canh tác khó khăn của các xã Phước Thành, Phước Chính, Phước Thắng… đã có sự đổi thay toàn diện về năng suất cây trồng. Ông Quảng Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính, cho biết: Trên địa bàn xã có 570ha đất gieo trồng, trong đó diện tích lúa chiếm 130ha, khi vào mùa vụ gieo trồng, thu hoạch, các loại máy móc đã phát huy hiệu quả. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm đúng lịch thời vụ còn tiết kiệm được nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật… nên lợi nhuận thu về cao hơn so với làm thủ công. Đơn cử, gia đình anh Patâu Axá Hải (thôn Núi Rây, xã Phước Chính) với hơn 6 sào trồng lúa, trước đây cũng như nhiều hộ khác, mỗi khi vào vụ phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình tham gia từ việc cày bừa, gieo cấy đến thu hoạch. Nhưng từ khi có máy móc thay thế làm các công đoạn trên không còn là nỗi lo của gia đình anh. Anh chia sẻ: “Giờ đây, công sức mình bỏ ra không còn nhiều nữa, không phải lo trễ vụ, mà còn tiết kiệm được nhiều chi phí, mỗi vụ thu hoạch, năng suất lúa mang lại từ 5-6 tạ/sào, cao hơn so với trước đây khoảng 2 tạ/sào…”. Để thúc đẩy nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngoài các chính sách hỗ trợ bằng các nguồn vốn 135, Chương trình 30a…, địa phương cũng tạo mọi điều kiện, cơ chế khuyến khích tập thể, cá nhân được vay vốn mua sắm máy móc áp dụng vào sản xuất. Qua đó, mở rộng được diện tích, tạo vùng sản xuất ổn định, góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng tổng sản lượng lương thực mỗi năm đạt trên 14.600 tấn.

Có thể nói, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nông dân địa phương khai thác hết tiềm năng, nâng cao hệ số sử dụng đất canh tác, mà còn nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm cây trồng. Đây được xem là bước tiến quan trọng chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang hiện đại đối với huyện miền núi Bác Ái.