Bia, rượu và hệ lụy!

(NTO) “Nam vô tửu như cờ vô phong”- câu nói vốn đã lan truyền trong dân gian từ rất lâu đời và trở thành lời biện bạch của “quý” ông vốn là “tửu đồ” của bia, rượu thời nay!.

Có thể nói, dường như ai cũng biết tác hại rất lớn của bia, rượu nhưng để tránh thật không dễ chút nào. Một số người bạn tôi là doanh nhân khá thành đạt thường tâm sự rằng “phi bia, rượu bất thành… chánh quả!”. Vậy là gần như phần lớn thời gian dành cho tiếp đối tác với không ít rượu, bia “chứa” trong người. Lợi thì cũng có đấy nhưng…hại thì không biết chừng bởi khó tránh bệnh tật do các chất có cồn này mà ra!. Có ông bạn tôi “ca thán”:- Phải chi thuê được người uống giúp mình thì hay biết bao nhiêu!. Tôi không dám bình luận gì vì không thuộc… chuyên môn, nhưng qua thông tin báo chí mới thấy giật mình vì các con số sau: Theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế, tính đến đầu năm 2016 này, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia (năm 2010 là 2,4 tỷ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Với lượng rượu, bia sử dụng gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đã “vươn lên” top 2 Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Đáng lưu ý, có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu, bia- đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần 2 lần mức trung bình.  Cũng theo các nhà chuyên môn phân tích, tỷ lệ nam giới dùng bia rượu ở mức độ có hại cũng tăng chóng mặt từ 25% lên trên 44% sau 5 năm…

Hệ lụy từ bia, rượu như thế nào?. Đầu tiên là bệnh tật, theo số liệu thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) về ca tử vong do hậu quả của rượu, bia, các bệnh không lây nhiễm như: bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư chiếm tới 46% tổng số ca tử vong, tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan). Hơn thế nữa rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương… Có người cho rằng nếu uống ít sẽ “có lợi” cho sức khỏe, tuy nhiên trên thực tế, không có một tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định. Vấn đề cũng đáng quan tâm đó là rượu, bia có thể làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi của bản thân. Nguy hại hơn, theo thống kê bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% vẫn tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia. Đó là chưa nói đến tình trạng “rượu vào lời ra”, gây sứt mẻ tình cảm gia đình, bè bạn… đã đành mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội…

Suy cho cùng, để bảo vệ sức khỏe, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác, tốt nhất không nên lạm dụng rượu, bia, đặc biệt không uống khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.