Tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông ở Phước Tân

(NTO) Được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), thời gian qua, Ban Phát triển xã Phước Tân (Bác Ái) đã tích cực triển khai các hợp phần, duy trì hiệu quả hoạt động của các chuỗi giá trị sản xuất, góp phần đáng kể cải thiện đời sống người dân và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Toàn xã có 3 thôn, với 673 hộ, 2.713 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào Raglai chiếm 95%. Trong tổng diện tích đất tự nhiên 6.521ha thì đất sản xuất hằng năm của xã có trên 650 ha, với các loại cây trồng chủ yếu là bắp lai, đậu xanh, lúa. Bên cạnh trồng trọt, người dân còn đầu tư phát triển chăn nuôi, với tổng đàn gia súc gần 1.400 con. Căn cứ vào tình hình kinh tế và thế mạnh của địa phương, Ban Phát triển xã đã lựa chọn 2 chuỗi giá trị chính để phát triển lúa và bò. Trên cơ sở đó, thành lập 3 nhóm chăn nuôi bò sinh sản, 2 nhóm nuôi bò vỗ béo, 2 nhóm trồng lúa, với 355 thành viên.

 
Từ sự hỗ trợ của Dự án HTTN đã giúp bà con xã Phước Tân có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi.

Sau khi thành lập, được sự hỗ trợ tích cực của DASU huyện, xã đã xây dựng quy chế quản lý, lập kế hoạch, định hướng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực… nên hoạt động của các tổ, nhóm đồng sở thích ngày càng phát huy được hiệu quả. Để tạo điều kiện cho các hộ tham gia phát triển các chuỗi giá trị, thông qua Dự án HTTN, từ năm 2011 đến nay, đã hỗ trợ xây dựng 60 chuồng trại, 27 bò sinh sản, vật tư, giống, phân bón cho các nhóm sản xuất lúa… Ban Phát triển xã phối hợp với DASU huyện mở 12 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật giúp cho các hộ dân áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Đồng chí Pinăng Ngọc, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phát triển xã Phước Tân, cho biết: Dự án HTTN đã tạo động lực nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, giảm bớt phần nào chi phí đầu tư sản xuất, có trên 50% số hộ thành viên tham gia các nhóm sở thích được hỗ trợ từ dự án có thu nhập tăng so với trước…

Bên cạnh việc phát triển các nhóm cùng sở thích, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh, địa phương đã được đầu tư 5 công trình gồm: hệ thống thoát nước, xây dựng tuyến đường nội đồng thôn Ma Lâm, bê-tông kênh nhánh nội đồng thôn Ma Ty phục vụ chuỗi giá trị lúa, xây dựng 4 sân phơi và nhà kho ở 3 thôn…, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Hạ tầng nông thôn được cải thiện đáp ứng yêu cầu sản xuất, giao thương và phục vụ phát triển các chuỗi giá trị ở địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển các chuỗi giá trị, Ban Phát triển xã cũng đã chủ động liên hệ, tạo được mối liên kết giữa người dân với một số cơ sở, doanh nghiệp cung cấp giống cây trồng, vật nuôi trong tỉnh như: Doanh nghiệp Dịch vụ thương mại Mạnh Xuân, Trang trại chăn nuôi Đức Hòa Long…

Với những hỗ trợ tích cực của Dự án HTTN đã góp phần tạo sự chuyển biến nhất định trong sản xuất của người dân địa phương. Đồng chí Pinăng Ngọc cho biết thêm: Trong thời gian tới, Ban Phát triển xã tiếp tục duy trì hiệu quả các nhóm sở thích, chủ động liên kết với các ngành chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho bà con nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.