Qua 2 năm thực hiện chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh

(NTO) Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển ngành Thủy sản, được Chính phủ ban hành từ ngày 7-7-2014. Đây là Nghị định được xem có tính đột phá trong các chính sách phát triển ngành Thủy sản Việt Nam từ trước đến nay, bởi nội dung quan trọng nhất là tập trung vào việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân đóng mới tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ theo hướng vỏ thép, vỏ composite và nâng cấp tàu đánh cá vỏ gỗ. Theo đó, các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn tới 70-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu, thời hạn vay vốn 16 năm và lãi suất hết sức ưu đãi. Đối với tỉnh ta, Nghị định nói trên như một làn gió mới thổi bùng lên khát vọng vươn khơi bám biển bằng những con tàu lớn của nhiều ngư hộ…

Những kết quả đáng ghi nhận

Qua 2 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã có 34 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán 283,3 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2015, đã có 13 dự án được phê duyệt. Đến cuối quý I-2016 đã triển khai đóng mới xong 8 dự án, với tổng công suất 5.158 CV, trong đó tàu có công suất cao nhất 940 CV, thấp nhất 420 CV với tổng dự toán 83,176 tỷ đồng. Đáng nói là ngoài 4 tàu vỏ gỗ “truyền thống”, nhiều ngư hộ đã thay đổi tư duy, tiếp cận với công nghệ mới như đóng tàu vỏ sắt (1 chiếc 829 CV), 3 tàu vỏ composite (829 CV, 500 CV, 800 CV) với hợp đồng tín dụng gần 70,890 tỷ đồng, đã giải ngân 64,27 tỷ đồng. Năm 2016, tính đến giữa tháng 8 đã có 21 dự án được phê duyệt với tổng vốn trên 200,12 tỷ đồng, bình quân trên 9,52 tỷ đồng/chiếc. Trong đó, công suất cao nhất 950 CV, thấp nhất 600 CV. Tàu có vốn vay cao ở mức 12 tỷ đồng như của hộ ông Nguyễn Định (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải) hành nghề lưới vây, thấp cũng không dưới 5,6 tỷ đồng như hộ bà Vương Thị Thúy Vân (xã Phước Diêm, Thuận Nam) làm nghề câu… Ngoài ra, đến nay đã có thêm 6 hồ sơ đăng ký vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá của ngư dân phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) và xã Phước Diêm (Thuận Nam).

 
Tàu cá Hải Dương của ngư dân Nguyễn Văn Mười được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Đạt được những kết quả nổi trội nêu trên, đầu tiên cần đề cập đó là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương liên quan. Nhờ đó, phần lớn những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đã được tháo gỡ kịp thời, công tác phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện được hưởng chính sách theo Nghị định được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng. Mặt khác, có thể nói chính sách đã nêu đáp ứng được mong muốn của nhiều ngư hộ với khát vọng vươn khơi… nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo niềm tin cho ngư dân thúc đẩy đầu tư phát triển ngành nghề thủy sản. Điều dễ dàng minh chứng: Trước khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP, toàn tỉnh chỉ có 106 tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên (trong đó, duy nhất 1 tàu công suất hơn 700 CV), đến nay đã có 136 tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên, trong đó có 8 tàu công suất từ 700 CV trở lên, trong số này có tàu cá công suất gần 1.000 CV. Đáng nói là các tàu đóng mới đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy hiệu quả kinh tế vượt trội. Đơn cử như tàu vỏ gỗ NT-91142-TS, do ông Võ Ngọc Minh làm chủ, đến nay đã có 18 chuyến thu mua ở khu vực đảo Phú Quý và vùng biển giáp Malaysia (bình quân mỗi chuyến 3-4 ngày), sau khi trừ chi phí và trả lương cho người lao động còn lãi trên 1,08 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu vốn lưu động để thu mua hải sản nên tàu chỉ đang hoạt động đạt 50% công suất thiết kế…

Những khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tế thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên cần đề cập ở đây là về hồ sơ kỹ thuật tàu cá, nhất là đối với các dự án đóng mới tàu cá bằng vật liệu composite, tiến độ triển khai rất chậm, do việc lập hồ sơ thiết kế và phê duyệt thiết kế theo quy định mất nhiều thời gian. Nguyên nhân là do hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành thiết kế mẫu, ngoài ra cũng do các chủ dự án thường xuyên thay đổi nội dung dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ lập hồ sơ thiết kế… Về sử dụng máy cũ, mặc dù Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 của Chính phủ cho phép trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy đã qua sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các cơ quan chức năng gặp phải một số vướng mắc như đa phần các máy đã qua sử dụng được lắp đặt xuống tàu cá không có lý lịch đầy đủ theo quy định, do đó không có cơ sở để xác định chất lượng cũng như công suất của máy. Hiện tại chưa có văn bản quy định về cơ quan giám định công suất máy thủy đã qua sử dụng. Do đó, đơn vị cho vay khó xác định đối tượng vay, mức vay!. Chính sách vay vốn lưu động cũng được không ít ngư hộ quan tâm. Theo tìm hiểu, phần lớn ngư dân trong tỉnh đều mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay lưu động với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để đầu tư cho hoạt động đánh bắt xa bờ… do ngư dân đã hết tài sản để có thể vay thế chấp, tuy nhiên chính sách này hiện tại chưa thực hiện được. Được biết, ngân hàng cho vay tín chấp khi ngư dân tham gia vào chuỗi liên kết nhưng việc quản lý dòng tiền hết sức khó khăn, lý do: hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ đầu vào, đầu ra của quá trình khai thác hải sản nhiều khi được thực hiện ngay ngoài biển, ngân hàng khó giám sát được hoạt động này!. Về chính sách hỗ trợ thuế, hỗ trợ phí bảo hiểm cho các chủ tàu đóng mới… tuy có quy định nhưng thực tế ở tỉnh ta các chính sách này chưa được thực hiện đồng bộ do còn bất cập như các chủ tàu mua các nguyên vật liệu bên ngoài đều có tính thuế VAT, không được giảm trừ do người bán không thể xác định chủ tàu nào mua để sử dụng đóng tàu theo Nghị định 67, mức thuế phải chịu khiến chi phí đóng tàu tăng lên. Việc hỗ trợ hoàn thuế cho các chủ tàu chưa được thực hiện cũng là lý do khiến chủ tàu thêm nhiều khó khăn...

Có thể nói, những vướng mắc nêu trên nếu sớm được quan tâm tháo gỡ sẽ tạo thêm động lực cho nhiều ngư hộ tích cực tham gia phát triển nghề cá trong tỉnh bằng chính những con tàu đủ lớn, đủ tầm để vươn khơi bám biển khai thác tài nguyên, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.