Ghi nhận qua Hội nghị xúc tiến quảng bá và kết nối tour, tuyến du lịch Ninh Thuận năm 2016

(NTO) Ngày 1-10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá và kết nối tour, tuyến du lịch Ninh Thuận năm 2016. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch Hà Nội, Lâm Đồng; Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hòa, Bình Thuận; các công ty du lịch, lữ hành trong cả nước. Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Sau khi nghe Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh giới thiệu khái quát về các điểm du lịch đặc sắc của Ninh Thuận cũng như các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong hoạt động du lịch, nhiều đại biểu tham dự đã tham gia ý kiến để du lịch Ninh Thuận ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn.

Theo ông Lê Duy Thanh Tùng, đại diện Công ty Lữ hành Sài Gòn-Hòn Ngọc, Ninh Thuận có rất nhiều tiềm năng và lợi thế với nhiều nét văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc mà các địa phương khác không có. Làm thế nào để phát huy được những lợi thế trên thì tỉnh cần có chiến lược cụ thể, chi tiết để vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn này. Trong đó, cần khai thác hiệu quả một số điểm du lịch như: Vườn trái cây Sông Pha; tham quan thủy điện Đa Nhim… Đồng thời có giải pháp để làm sinh động thêm các điểm du lịch hiện có như vịnh Vĩnh Hy, biển Bình Sơn-Ninh Chử thu hút du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, lưu trú dài ngày ở Ninh Thuận.

 
Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Văn Miên

Theo bà Dương Thủy, phóng viên báo Doanh Nghiệp và Đầu tư, trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong lĩnh vực truyền thông, quảng bá về du lịch nhưng công tác này thực sự chưa mang lại hiệu quả, nguyên nhân là việc truyền thông, quảng bá chưa thật sự sinh động, chưa cuốn hút được khách du lịch, đặc biệt là chưa nêu bật được một số điểm du lịch đặc thù, những khám phá và trải nghiệm thú vị khi đến với Ninh Thuận.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Trung Tây Đô, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn-Tourist cho rằng, tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ công tác truyền thông, quảng bá cũng như xúc tiến du lịch, đây là một trong những nhân tố quyết định đến việc thu hút khách du lịch đến với Ninh Thuận. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chú trọng đầu tư về phát triển du lịch tại 2 Vườn Quốc gia Núi Chúa và Phước Bình. Trong đó, cần đẩy mạnh hoạt động du lịch Home stay (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân địa phương) để du khách có những trải nghiệm hấp dẫn, thú vị và tạo ấn tượng sâu sắc về Ninh Thuận.

Ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, cho biết: Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch của Ninh Thuận còn mỏng và tỷ lệ qua đào tạo còn thấp. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm, chú trọng hơn nữa việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành kinh tế mũi nhọn này; cần quan tâm đào tạo, tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng dân cư làm du lịch để họ có thể nhận thức rõ hơn về những lợi ích của hoạt động du lịch và cùng hưởng lợi từ hoạt động này.

Tham gia ý kiến đóng góp về phát triển du lịch của tỉnh, đồng chí Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: Ninh Thuận là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, với nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên để khai thác được những yếu tố trên, Ninh Thuận cần phải có những cách làm nổi trội và tạo sự khác biệt. Một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công để phát triển du lịch đó là tỉnh cần lựa chọn và kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, tài chính, đầu tư khu du lịch phức hợp với đầy đủ các dịch vụ, qua đó trở thành đầu tàu kéo du lịch của tỉnh phát triển. Muốn như vậy, tỉnh cần phải có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư; đồng thời phải xây dựng được thương hiệu riêng của du lịch Ninh Thuận có tính cạnh tranh cao, khác biệt trong khu vực và cả nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự tham gia, đóng góp ý kiến của các đại biểu giúp cho tỉnh khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động du lịch trong thời gian tới. Đồng chí cho biết, định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2020, cùng với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, Ninh Thuận đang từng bước đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng cho ngành Du lịch; tạo các sản phẩm du lịch mới đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực và tích cực trong liên kết vùng, liên kết phát triển với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt là liên kết chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt là những trung tâm trung chuyển du lịch lớn của cả nước. Đẩy mạnh liên kết tour, tuyến để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của du lịch. Đồng chí hy vọng qua hội nghị này, Ninh Thuận sẽ nhận được sự quan tâm ủng hộ hơn nữa từ các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan báo chí trong công tác quảng bá và kết nối tour, tuyến du lịch để Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong tương lai.