Từ “Chương trình hành động quốc tế về người cao tuổi” của Liên hợp quốc đến “Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi” của Việt Nam

(NTO) Nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề già hóa dân số và vai trò của người cao tuổi (NCT) trong thời kỳ mới, tháng 10-1982, Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức Đại hội thế giới về vấn đề NCT và đã ra Nghị quyết về “Chương trình hành động quốc tế dài hạn về NCT”. Đến năm 1991, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết này, LHQ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nội dung “Những nguyên tắc về đạo lý của LHQ đối với NCT”, gồm 18 nguyên tắc được khái quát thành 5 quyền của NCT và khuyến nghị các quốc gia phấn đấu thực hiện, đó là: Quyền được sống độc lập không bị phụ thuộc; quyền được tham gia mọi công việc trong xã hội và cộng đồng; quyền được chăm sóc vật chất và tinh thần; quyền được phát huy, phát triển cá nhân và quyền được tôn trọng nhân phẩm. Đồng thời, quyết định lấy ngày 1-10 hằng năm là Ngày Quốc tế NCT.

Nội dung của “Chương trình hành động quốc tế về NCT” của LHQ thể hiện quan điểm của thế giới về NCT, sự quan tâm sâu sắc của nhân loại về vấn đề “già hóa dân số” và thống nhất hành động vì quyền lợi của NCT trong sự tiến bộ chung của xã hội trong thời kỳ mới.

Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng ứng tích cực Nghị quyết LHQ về Chương trình hành động quốc tế về NCT. Trong suốt 25 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan đến việc chăm sóc và phát huy vai trò NCT, điển hình như việc Chính phủ quyết định thành lập Hội NCT Việt Nam (năm 1995); Chỉ thị 59/CT-TW (năm 1995) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chăm sóc NCT”; Pháp lệnh NCT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa X, năm 2000); Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NCT; Luật NCT năm 2009 của Quốc hội khóa XII; Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2005- 2010 và giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ (năm 2005 và 2012) và gần đây nhất là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Tháng hành động vì NCT Việt Nam” (năm 2014).

Một trong những chủ trương, chính sách lớn về NCT của Đảng và Nhà nước là “Chương trình hành động quốc gia về NCT” của 2 giai đoạn: 2005-2010 và 2013-2020, đây là biện pháp cụ thể nhất để hiện thực hóa “Chương trình hành động quốc tế về NCT” của LHQ tại Việt Nam.

Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2013- 2020 với mục tiêu tổng quát là phát huy vai trò của NCT, nâng cao chất lượng chăm sóc NCT, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo đó, chương trình hướng vào việc thực hiện các mục tiêu cụ thể, đó là: (1)- Phát huy vai trò, kinh nghiệm, tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia có hiệu quả vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, kinh tế, chính trị phù hợp với nguyện vọng, khả năng và nhu cầu của NCT. (2)- Tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần của NCT; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe cho NCT; xây dựng môi trường thuận lợi để NCT tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí. (3)- Nâng cao chất lượng đời sống vật chất của NCT, hoàn thiện chính sách trợ giúp và bảo trợ xã hội nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho NCT; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ và cơ sở chăm sóc NCT, đặc biệt chú trọng NCT có hoàn cảnh khó khăn và NCT dân tộc thiểu số.

Chương trình được phân kỳ thành hai giai đoạn: Từ năm 2013-2015 và từ 2016-2020, với các chỉ tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực. Chẳng hạn đến năm 2015, phải đạt được 15% NCT có khả năng hoạt động kinh tế được hỗ trợ thiết thực về phương tiện sản xuất, vốn, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; 100% NCT khi ốm đau được khám, chữa bệnh; 25% tổng số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, y học cổ truyền có từ 50 giường bệnh trở lên phải có buồng khám riêng cho NCT; 25% bệnh viện cấp tỉnh có khoa Lão; 80% cơ quan phát thanh-truyền hình cấp Trung ương và địa phương có chuyên mục về NCT; 100% NCT không phải sống trong nhà tạm, dột nát; 25% NCT không có người phụng dưỡng được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng hoặc nuôi dưỡng trong các cơ sở chăm sóc NCT; 15% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ liên thế hệ hoặc các mô hình khác nhằm chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

Đến năm 2020, chỉ tiêu trên các lĩnh vực nêu trên được nâng lên, đáng kể nhất là các chỉ tiêu về y tế với 90% số bệnh viện đa khoa từ cấp tỉnh trở lên phải có buồng khám riêng và bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho NCT và 100% bệnh viện cấp tỉnh trở lên có khoa Lão; 100% cơ quan phát thanh-truyền hình cấp tỉnh trở lên có chuyên mục về NCT; 80% số NCT không có người phụng dưỡng được nuôi dưỡng tại các cơ sở chăm sóc NCT.

Thực hiện Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 2465/KH-UBND ngày 4-6-2013 về việc “Thực hiện chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Kế hoạch thực hiện của tỉnh cũng đã bám sát vào các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu của chương trình hành động quốc gia về NCT của Chính phủ. Đáng chú ý là các chỉ tiêu về y tế và chăm sóc sức khỏe, về công tác truyền thông, về xóa nhà tạm, dột nát cho NCT được tỉnh đặc biệt quan tâm với việc đề ra các chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu chung của cả nước.