Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong bảo đảm an toàn thực phẩm

(NTO) Vừa qua, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức đợt giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Qua khảo sát thực tế một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và làm việc với 3 ngành: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số địa phương, cho thấy thực trạng đáng lo ngại, còn nhiều bất cập, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

Nổi cộm nhất đó là tình trạng mất ATTP về thức ăn đường phố (TĂĐP). Tại nhiều hàng quán trên địa bàn phường Mỹ Hương (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), khi đoàn đến kiểm tra, không đáp ứng tốt các điều kiện, quy định về kinh doanh TĂĐP: Hàng quán không được trang bị thùng rác nên giấy vệ sinh sau khi được khách sử dụng vứt bừa bãi dưới nền nhà; người bán dùng tay trần bốc thức ăn; nhiều hàng quán gần bãi rác, thậm chí có quán nằm gần miệng cống nước thải hết sức mất vệ sinh. Tô, chén, muỗng, đũa sau khi được khách sử dụng chỉ được rửa sơ sài; nước rửa chén được đổ ngay ra vỉa hè, lòng đường làm mất vệ sinh và mỹ quan đô thị…

Làm việc với UBND phường Mỹ Hương, các thành viên đoàn giám sát đã bày tỏ bức xúc trước thực trạng này. Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế-Xã hội Ủy ban MTTQVN tỉnh, chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó chính là chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình trong công tác quản lý. Vi phạm trong kinh doanh TĂĐP diễn ra hàng giờ, hàng ngày, thậm chí nhiều hàng quán nằm ngay sát trụ sở phường nhưng chính quyền địa phương lại hết sức thờ ơ, chưa mạnh dạn xử lý cũng như tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở. Để giải quyết vấn đề mất ATTP TĂĐP, trước hết UBND các xã, phường cần làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cần có biện pháp chế tài mạnh, nghiêm minh, có như thế mới đủ sức răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, đoàn cũng kiến nghị UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, các xã, phường cần có giải pháp quy hoạch, sắp xếp lại khu vực kinh doanh TĂĐP hợp lý hơn, xây dựng mô hình phường điểm ATTP nhằm tạo sự lan tỏa, hình thành nếp sống văn minh đô thị.

 
Đoàn giám sát kiểm tra hàng nông sản tại Siêu thị Vinmart.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thực trạng ATTP cũng đáng lo ngại hơn. Vùng trồng rau an toàn xã An Hải (Ninh Phước) lâu nay được xem là địa chỉ đáng tin cậy mỗi năm cung cấp hàng ngàn tấn sau sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Để nâng tầm thương hiệu cho Rau an toàn Tuấn Tú, những năm qua, tỉnh đã đầu tư triển khai nhiều dự án, mô hình, mở nhiều lớp tập huấn sản xuất rau, củ, quả theo quy trình sạch, thậm chí quy trình tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên, theo một số nông dân trồng rau ở đây cho biết, việc thực hiện các quy trình chỉ mang tính tương đối, bởi sau khi dự án, mô hình kết thúc, nhiều bà con dần quay lại sản xuất theo phương thức truyền thống. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, Nitrate, kim loại nặng…

Còn tại cơ sở giết mổ bò Nguyễn Thị Hồng Loan (xã Thành Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), được xem là cơ sở giết mổ có điều kiện cơ sở vật chất khá tốt, tuy nhiên lại nằm ngay trong khu dân cư, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, gây bức xúc cho nhiều hộ dân sống xung quanh. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 77 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng có đến 53 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Trong khi ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở còn hạn chế, việc quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng còn bỏ ngõ, người dân hầu như không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch, nên rất dễ mua nhầm hàng kém chất lượng, không an toàn, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của chính mình. Đoàn cũng kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cần phối hợp đẩy mạnh xây dựng, hình thành và quảng bá chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng.

Theo các ngành, địa phương, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý ATTP đó là thiếu trang thiết bị kiểm tra, mẫu thử chất lượng thực phẩm. Ngoài ra, đội ngũ làm công tác quản lý mỏng, nhất là đối với cán bộ tuyến xã, phường chuyên môn vừa thiếu, vừa yếu; quy trình thủ tục kiểm tra, xử phạt khá phức tạp… cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.

Đồng chí Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: Công tác bảo đảm ATTP là nhiệm vụ cấp bách, cần được thực hiện lâu dài, thường xuyên của toàn xã hội. Các ngành chức năng, địa phương cần làm hết trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQVN tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân phát huy vai trò làm chủ, giám sát và phản biện xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.