Lễ hội Katê

(NTO) Lễ hội Katê được diễn ra tại tất cả các làng Chăm có cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn.

Katê là một lễ thức dân gian mà người Chăm cho là đã có từ lâu đời, tức là mang tính truyền thống. Vì vậy, nói một cách chính xác thì Katê là một lễ thức/giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Chăm nói chung. Và cho đến ngày nay, khi nói đến Katê, người ta không chỉ muốn nói đến một lễ thức, một lễ nghi, một ngày hội… mà ở đó toát lên một bản sắc, một giá trị văn hóa của cả một cộng đồng dân tộc với những nét riêng độc đáo, có địa chỉ cụ thể hẳn hoi.

 
 Lễ hội Katê thu hút đông đảo du khách và Nhân dân địa phương đến với tháp Pôklong Girai. Ảnh: Sơn Ngọc

Hiện tỉnh Ninh Thuận đang trình hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO xét công nhận Katê là giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, điều đó có căn nguyên của nó. Và khi Katê là giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhân loại thì về mặt nào đó Katê không còn là của riêng ai; tất cả chúng ta đều có trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo và phát huy, đặc biệt là đối với người Chăm Ninh Thuận, chủ nhân của chủ thể giá trị văn hóa đó. Mặc dù việc xem xét một hồ sơ để công nhận là di sản văn hóa nhân loại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và phải có cả một quá trình, tuy nhiên chúng ta tin tưởng vào giá trị đích thực của Lễ hội Katê cùng với tầm ảnh hưởng cũng như qui mô, sức sống của nó trong đời sống tinh thần ngày nay đối với cộng đồng người Chăm nói chung và người Chăm Ninh Thuận nói riêng, hoàn toàn xứng đáng với đề cử đó.

 
Đồng bào Chăm Hữu Đức rước y trang tại đền Pô Inư Nưgar (năm 2015). Ảnh: Đ.Nhi

Gắn với Lễ hội Katê là không gian hành lễ rộng lớn và thời gian kéo dài. Trong yếu tố không gian, nổi bật không chỉ là những làng Chăm truyền thống mà cần phải nói đến hệ thống những tháp Chăm mang giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo tiêu biểu qua các thời kỳ, nơi diễn ra một phần chính của lễ hội. Những cụm tháp này của tỉnh ta đều đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia, nay đang được xem xét làm hồ sơ tiếp tục đề nghị công nhận ở mức cao hơn đó là đi tích Quốc gia đặc biệt. Đây là yếu tố mang tính điều kiện, là cơ sở thuận lợi cho việc xem xét công nhận Katê là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại trong thời gian tới.

Bây giờ, khi nói đến Katê người ta nghĩ ngay đến Ninh Thuận như một “đặc sản” và Katê không còn lạ lẫm với nhiều người. Mặt khác, người ta đến Ninh Thuận không chỉ để tìm hiểu Katê mà chính để hiểu thêm một nét văn hóa với nhiều tầng lớp giao thoa, tiếp biến đầy lôi cuốn, hấp dẫn và thú vị. Từ đó, hiểu thêm về những con người và vùng đất đặc trưng nơi đây với nhiều giá trị bản sắc riêng có, chứ không chỉ với Katê.