Thế giới trong tuần

1. Sự đổ vỡ chóng vánh của thỏa thuận ngừng bắn ở Syria do Mỹ và Nga làm trung gian đang đẩy cuộc khủng hoảng Syria đi theo chiều hướng xấu. Hai cường quốc nắm thế trận trên “bàn cờ Syria” là Nga và Mỹ đổ lỗi cho nhau về sự thất bại của thỏa thuận. Bất đồng giữa họ càng khiến tình hình ở quốc gia Trung Đông này thêm rối.

Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đêm 21-9 theo giờ Việt Nam nóng lên bởi những tranh cãi không dứt của Nga và Mỹ. Cả hai nước đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công nhằm vào đoàn xe chở hàng viện trợ của Liên hợp quốc, gần Allepo vào hôm 19-9.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, cách duy nhất để khôi phục lại một lệnh ngừng bắn là tất cả các bên có vũ trang chiến đấu trên mặt đất, ngoại trừ các nhóm khủng bố, phải hạ vũ khí. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì cho rằng, ông nghi ngờ về khả năng giữ vững cam kết ngừng bắn của Nga và Chính phủ Syria.

Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối cùng đã không đạt được một kết quả nào. Các thành viên của Hội đồng Bảo an cho rằng, nếu trong một vài ngày tới, cả Nga và Mỹ vẫn không tìm được một tiếng nói nào chung thì tương lai của thỏa thuận ngừng bắn Syria sẽ hết sức mong manh, đồng thời cũng sẽ không có một nghị quyết nào từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Dù luôn khẳng định đàm phán hòa bình và giải pháp chính trị là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria, song những toan tính và sự hậu thuẫn của Nga và Mỹ dành cho các phe phái đối địch ở Syria khiến cuộc chiến này khó có hồi kết và cơ hội hòa bình cho Syria một lần nữa bị bỏ lỡ.

2. Theo Hãng thông tấn của CHDCND Triều Tiên đưa tin, hôm 20-9, Triều Tiên đã thử thành công trên mặt đất một động cơ tên lửa mới, có công suất lớn. Hành động này của Triều Tiên khiến nhiều quốc gia trong khu vực phải lên án, do đẩy căng thẳng và sự bất ổn an ninh quốc tế lên cao.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nhấn mạnh cần phải phân tích chi tiết thêm mới có thể xác định vụ thử trên có thành công hay không.

Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa diễn ra tại New York, các nguyên thủ của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã bày tỏ quan điểm về hành động của Triều Tiên.

“Nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải cùng chung tay, dẫn đầu trong chiến dịch đàm phán với Triều Tiên, để nước này hiểu rằng những hành động khiêu khích sẽ khiến họ bị cộng đồng quốc tế cô lập”, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cho biết. 

Cứng rắn hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Bungse cho biết: “Chúng ta phải đặt dấu chấm hết cho những hành động khiêu khích một lần và mãi mãi”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Chúng tôi đã bày tỏ rất nhiều lần thiện ý muốn đàm phán trong hòa bình với Triều Tiên. Nhưng để có tiến triển, Triều Tiên cũng phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối thoại với thế giới”.

Từ tháng 8 đến nay, Triều Tiên đã 3 lần phóng tên lửa, mỗi quả bay được khoảng 1.000km và phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.