CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Nho... “cười”, người… “khóc”!

(NTO) Mấy ngày nay gần như chiều nào cũng có mưa, tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ để làm mát không khí luôn oi nồng của những ngày hạn kéo dài không phải tính bằng tháng mà bằng...năm ở nhiều vùng, miền trong tỉnh. Mưa còn góp phần tích nước, chí ít là thấm đẫm để làm “sống lại” những mạch ngầm trong lòng đất để rồi giúp cho các nông hộ hút lên bơm tưới cho cây trồng, đặc biệt là cây nho ở những vùng bị hạn hán... Mong mưa là vậy, nhưng sáng sớm nay anh bạn “nhà nho” vốn có thâm niên trên 30 năm kể từ khi cây nho mới “định cư” trên đất Thái An ( xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) đến nay gọi điện “thông báo”: - Mấy giàn nho nhà mình sau vài cơn mưa đã... “cười” tươi lắm, ông xuống chơi!. Vốn biết tính anh hay khôi hài nhưng tôi cũng không mấy tin, bởi đã là dân làm nho thì “kỵ” nhất là gặp mưa khi trái đang chín hoặc đang trong thời gian thu hoạch. Cho nên nhiều bà con thường gọi, hễ nho “cười” thì người “khóc”!. Vì mấy lẽ: mưa làm cho trái nho bị nứt nên phải tỉa bỏ dẫn đến bị “lỏng” chùm, không đẹp, khi vận chuyển đi xa sẽ bị dập. Lẽ khác là nếu không thoát nước tốt, bị úng ngập thì trái sẽ bị cầm màu, khó bán cho đại lý thu gom, mà ngay cả người mua lẻ cũng không chuộng, do chất lượng trái nho bị chua, không mấy hấp dẫn... Chung quy lại là nho bị các dạng trên thì giá thấp, thậm chí đây là cơ hội để thương lái ép giá nhà vườn. Cứ như ông bạn tôi, dù có “lạc quan” tếu đến mấy thì cũng không khỏi méo mặt vì thiệt đủ đường. Anh cho hay, hiện tại nho tốt cũng tầm giá 8-10 ngàn đồng/ký, còn đa phần bán nho làm rượu, mật nho giá trên dưới 5 ngàn đồng/ký. Kiểu này coi như thất thu nặng và điều sẽ không vui là thiếu nho để phục vụ du khách tham quan, thưởng thức nhân Lễ hội Nho và Vang tỉnh ta tổ chức sắp tới...

Nông dân thôn Thái An (Vĩnh Hải, Ninh Hải) thực hiện công đoạn tỉa trái nho. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo tính toán “số học” thì mỗi năm bình quân chỉ cần đạt 6 tấn/sào (3 vụ) thì bù qua sớt lại “nhà nho” bỏ túi chắc trên dưới 50 triệu đồng lãi ròng sau khi trừ hết chi phí. Có nông hộ thâm canh giỏi thì có thể thu nhập gấp rưỡi so với con số này. Tuy nhiên, không phải “dễ ăn”. Nghề làm nho chẳng khác nào “nuôi con mọn” bởi tính “đỏng đảnh” của giống cây được xem như “nữ hoàng” này. Đó là chưa nói “đầu ra” sản phẩm còn bấp bênh mặc dù “cung” vẫn thiếu so với “cầu”, hầu hết do tư thương “điều phối” nên dễ thao túng để kiếm lợi nhuận lớn!. Không những vậy, chi phí “đầu vào” cho cây nho rất cao và đòi hỏi phải chuyên nghiệp, nhất là giai đoạn cột cành, tỉa trái... chẳng khác nào nghề “vuốt râu” trái thanh long là mấy. Đó là chưa nói đến sâu, nấm và như nhiều "nhà nho" phàn nàn, sợ nhất là bọ trĩ, nếu trị không dứt thì coi như... mất mùa!.

Hóa ra, để “sống” được với cây nho đòi hỏi phải biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật ở các khâu: nước, phân, cần, giống thôi chưa đủ mà cần ổn định đầu ra bằng việc liên kết sản xuất "sạch" với các doanh nghiệp đầu đàn để đưa sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị, những thị trường lớn…như anh bạn “nhà nho” của tôi mong ước.