Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Phấn đấu trở thành Bệnh viện hạng I vào năm 2020

(NTO) Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 2 (khóa X), nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên Bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường bệnh, giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí gần 430 tỷ đồng. Phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với ông Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra nhằm đạt được mục tiêu này.

Phóng viên: Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên Bệnh viện hạng I?

 

 
Ông Thái Phương Phiên
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh

- Ông Thái Phương Phiên: Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện là Bệnh viện hạng II, quy mô 800 giường bệnh, có 32 khoa, phòng (8 phòng chức năng, 7 khoa cận lâm sàng và 17 khoa lâm sàng). Về nhân lực, hiện có 848 nhân viên, trình độ đại học và trên đại học: 268 người, trong đó: 171 bác sỹ (Tiến sĩ: 1, Chuyên khoa II: 5, Chuyên khoa I: 46, Thạc sĩ: 12); 268 điều dưỡng (ĐD), nữ hộ sinh (NHS), kỹ thuật viên (KTV).

Dựa vào nguyên tắc đánh giá chấm điểm theo Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25-8-2005 của Bộ Y tế hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế, hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đạt 86,5 điểm, cần 3,5 điểm nữa để đạt điểm chuẩn Bệnh viện hạng I. Điều đáng nói là trong số điểm còn thiếu lại rơi vào 3 tiêu chuẩn bắt buộc, đó là: Có ít nhất 50% số trưởng phòng và phó trưởng phòng có trình độ sau đại học (hiện nay bệnh viện đạt 31%); ít nhất 60% số bác sỹ (BS) trưởng khoa, phó trưởng khoa có trình độ Chuyên khoa II hoặc tiến sĩ (hiện đạt 10%); có từ 25% số người bệnh nội trú trở lên được chăm sóc cấp I (hiện nay bệnh viện triển khai giường chăm sóc cấp I được 18%). Ngoài các tiêu chí bắt buộc trên, bệnh viện còn phải đạt được một số tiêu chí khác để đạt được ít nhất 90 điểm trở lên, đó là: Bệnh viện là cơ sở thực hành của đại học và sau đại học; đảm bảo trên 20% trưởng phòng và phó trưởng phòng có trình độ Trung cấp lý luận chính trị hoặc cao hơn (hiện nay bệnh viện đạt 12,5%); đảm bảo trên 50% BS điều trị tại các khoa lâm sàng có trình độ sau đại học (hiện nay đạt 35%). Như vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra, đó chính là đào tạo, thu hút nguồn nhân lực. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, bệnh viện cần đào tạo thêm 42 BS Chuyên khoa II; 53 BS Chuyên khoa I; đào tạo sau đại học 5 cán bộ quản lý các phòng chức năng; đào tạo chứng chỉ chuyên khoa cho 150 ĐD và đào tạo lý luận chính trị cho 6 cán bộ quản lý. Ngoài ra, cần tuyển mới 63 BS, 276 ĐD, NHS, KTV và các nhân viên khác bảo đảm số lượng, chất lượng nhân lực khi bệnh viện trở thành Bệnh viện hạng I.

Trong quá trình xây dựng, thực hiện Đề án, bệnh viện được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các ngành chức năng. Đây chính là thuận lợi, động lực để bệnh viện phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Tuy nhiên, dựa vào thực trạng hiện nay, chúng tôi nhận định một số thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện. Khó khăn lớn nhất đó là vấn đề kinh phí đào tạo. Theo Quyết định 36/2015/QĐ-UBND ngày 23-6-2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được đi đào tạo, bồi dưỡng, thì toàn bộ kinh phí hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ cán bộ, viên chức của bệnh viện sẽ do bệnh viện tự chi trả. Với số lượng y, bác sĩ nằm trong diện quy hoạch được đào tạo như trên, bệnh viện khó có thể cân đối nguồn kinh phí để chi trả. Ngoài ra, đa số bác sĩ trẻ thu hút những năm qua đều tốt nghiệp đa khoa, đó là chưa kể kinh nghiệm, tay nghề hạn chế. Để trở thành bác sĩ trực chính cần ít nhất thêm 5 năm đào tạo. Trong khi đó, nguồn nhân lực vẫn còn thiếu, nếu cho nhiều bác sĩ đi đào tạo cùng lúc sẽ gây khó khăn trong hoạt động chuyên môn của đơn vị; còn nếu đào tạo rải rác sẽ không đạt được chỉ tiêu đề ra.

- Phóng viên: Với tình hình như đã nêu, vậy bệnh viện đề ra giải pháp gì để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên?

- Ông Thái Phương Phiên: Trên thực tế, mục tiêu xây dựng Bệnh viện hạng I đã được đơn vị xác định và thực hiện từ nhiều năm trước. Những năm qua, bệnh viện đã có nhiều giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt từ năm 2015, UBND tỉnh đã điều chỉnh chế độ thu hút cán bộ y tế, đồng thời bệnh viện thực hiện chế độ đãi ngộ đảm bảo tổng thu nhập ít nhất 8 triệu đồng/tháng cho BS mới về công tác, kết quả đã thu hút được 36 BS. Như vậy, với chính sách thu hút nhân lực y tế của tỉnh, cộng với chế độ đãi ngộ của bệnh viện, tin rằng vấn đề bổ sung nguồn nhân lực sẽ được giải quyết. Đối với công tác đào tào, hiện bệnh viện đã hoàn thành Đề án Đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận hạng I, giai đoạn 2016-2020, đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo tính toán, tổng kinh phí đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn này gần 20 tỷ đồng, trong đó, bệnh viện mong muốn tỉnh hỗ trợ 50% tổng kinh phí. Công tác đào tạo cũng đã được bệnh viện xây dựng lộ trình, kế hoạch phân bổ từng năm phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như nguồn lực.

Với cơ sở hiện tại, bệnh viện có thể kê 750 giường, để đạt được 1.000 giường (đảm bảo khoảng cách giữa các giường theo quy định), phấn đấu đến năm 2018, bệnh viện sẽ phát triển 50 giường của Đơn vị Nội Thận–Tiết niệu, xây mới khoa Nội Tổng hợp quy mô 50 giường và khoa Điều trị theo yêu cầu 150 giường (bằng nguồn xã hội hóa). Về vấn đề chuyên môn, ngoài phát triển chuyên môn kỹ thuật trong phạm vi phân tuyến của Bộ Y tế, bệnh viện tiếp tục tăng cường hợp tác với bệnh viện tuyến trên thông qua Đề án 1816, Bệnh viện vệ tinh… nhằm triển khai các kỹ thuật cao. Đồng thời, tăng cường hợp tác với Trường Đại học Y Tây Nguyên, Đại học Y Dược Huế và các trường đại học khác đưa sinh viên về thực hành tại bệnh viện nhằm đạt được mục tiêu trở thành cơ sở thực hành của sinh viên y khoa các trường đại học.

Một vấn đề bệnh viện hết sức băn khoăn, đó là giải pháp để giữ chân BS có tay nghề, chuyên môn cao. Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có một số BS giỏi của bệnh viên đã chuyển công tác tại một số bệnh viện khác có mức thu nhập cao hơn, môi trường làm việc cũng như chế độ đào tạo, đãi ngộ tốt hơn. Vì vậy, bệnh viện rất mong muốn tỉnh có cơ chế mở, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện trong việc kêu gọi xã hội hóa, phát triển các dịch vụ y tế..., giúp đơn vị có thêm nguồn thu để tăng thu nhập, tạo sự gắn kết đối với đội ngũ cán bộ, y, BS, nhân viên, cũng như cải thiện các điều kiện hoạt động, giúp đơn vị ngày càng phát triển và đạt được mục tiêu trở thành Bệnh viện hạng I vào năm 2020.

- Phóng viên: Xin cảm ơn ông!