VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Để Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch!

(NTO) Theo xu hướng chung trên thế giới, năng lượng tái tạo đã và đang phát triển mạnh và là hướng đi tất yếu của mọi quốc gia, bởi ưu thế là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh.

Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,1 m/s, ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400 - 500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 đến 20 m/s nếu ở độ cao 12 m (Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới). Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở ba huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho Turbin gió phát điện. Theo Quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt xác định tiềm năng phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận gồm 5 khu vực với tổng diện tích 21.432 ha, tổng công suất dự kiến 1.429 MW, khả năng khai thác đến năm 2030 khoảng 2.500 MW với sản lượng 5.475 triệu kWh. Ngoài ra, Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất trong nước do có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn: trên 230 kcal/cm2, trong đó tháng ít nhất cũng 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600- 2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Trừ những ngày có mưa rào, có thể nói hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời... Vì vậy, việc khai thác năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời là tiềm năng của tỉnh với mục tiêu hướng đến là xây dựng trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, và nếu phát triển thuận lợi sẽ góp phần cung cấp từ 5-8% nhu cầu về điện của quốc gia vào năm 2020.

Để Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch của cả nước, mục tiêu tỉnh ta đặt ra là tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế về phát triển điện gió theo hướng ưu tiên khuyến khích và thu hút đầu tư các dự án điện gió ở các vị trí theo quy hoạch phát triển điện gió quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trước mắt phấn đấu đến năm 2020 công suất lắp đặt 220 MW; đồng thời thu hút đầu tư các dự án năng lượng mặt trời ở các khu vực có tiềm năng theo quy hoạch phát triển, từng bước hình thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của quốc gia. Có thể nói, những tiềm năng như đã nêu từng bước dần hiện thực hóa bằng các dự án đã được khởi công mới đây, như Dự án Nhà máy điện gió Trung Nam, do Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư có 45 tua bin với quy mô công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 1.445 tỷ đồng xây dựng 17 tổ máy với tổng công suất 34MW... Nhà máy điện gió Mũi Dinh cũng vừa khởi công vào cuối tháng 8-2016 do Công ty EAB (Cộng hòa Liên bang Đức) làm chủ đầu tư xây dựng tại thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Nhà máy gồm 16 tua- bin với tổng công suất 37,6 MW được xây dựng trên diện tích 12 ha với nguồn vốn đầu tư 1.272 tỉ đồng. Như vậy, 2 nhà máy đạt tổng công suất 127,6 MW, đạt 58% công suất phấn đấu đến 2020.

Được biết trong chuyến công tác tại tỉnh ta mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đánh giá cao những lợi thế của tỉnh trong phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và năng lượng mặt trời. Đồng chí cho rằng, cần phải xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Trước mắt, tỉnh cần phối hợp với Bộ Công Thương sớm xây dựng Đề án thực hiện chính sách thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư và đưa các dự án đã đăng ký vào hoạt động để góp phần giải quyết tình trạng thiếu năng lượng của cả nước trong thời gian tới.