Ô nhiễm môi trường từ các lò hấp cá!

(NTO) Hiện nay trên địa bàn huyện Thuận Nam có trên 65 cơ sở chế biến cá hấp, tập trung tại 3 xã: Phước Dinh, Cà Ná, Phước Diêm. Trong đó, có 60 cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tập trung tại xã Cá Nà và Phước Diêm. Phần lớn các cơ sở nằm trên Quốc lộ 1, xen kẽ trong các khu dân cư và trong cảng Cà Ná. Hầu hết các cơ sở chế biến cá hấp đều phát sinh các loại chất thải như: Nước thải, chất thải rắn, khói thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các cơ sở chế biến cá hấp đều hình thành tự phát theo nhu cầu cá nhân, không theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nên chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung mà các chủ cơ sở tự thu gom xử lý. Và thực tế hiện nay, có không ít cơ sở chế biến cá hấp do chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải nên đã xả thải thẳng ra biển, mương thoát lũ bằng đường ống nhựa hoặc thải ra đất... Những hộ hành nghề này còn nhận thức “đơn giản” rằng việc xả nước thải như vậy, nhất là thải thẳng ra biển không ảnh hưởng đến ai và cơ sở sạch sẽ không hôi thối!

 
Một cơ sở chế biến cá hấp đóng hàng để chuyển đến nơi tiêu thụ.
“Quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Phạt tiền từ 13-15 triệu đồng đối với hành vi không xây lắp, không vận hành công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận.
Ngoài ra, nếu đoàn kiểm tra tổ chức lấy mẫu nước thải của các cơ sở chế biến cá hấp để phân tích, tuỳ theo lưu lượng thải và các thông số có trong nước thải vượt quy chuẩn cho phép bao nhiều lần thì phạt theo Điều 13, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ.”

Ông Vũ Văn Quân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Thuận Nam, cho biết: Việc xây dựng không theo quy hoạch của các cơ sở này tồn tại từ rất lâu, nhưng UBND xã không ngăn cản, không lập biên bản xử phạt mà cứ để tự phát nên dần dần hình thành thêm nhiều cơ sở khác. Do đó, hiện nay việc xử lý vi phạm rất khó, song về nguyên tắc nếu các hộ không chấp hành thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đình chỉ hoạt động, nhưng nếu đình chỉ thì ảnh hưởng đến việc làm, nguồn thu… do đó chủ yếu là tuyên truyền, vận động. Đó là chưa nói đến tình trạng cơ sở hoạt động chế biến cá hấp tại xã Cà Ná nhưng chủ cơ sở là người xã Phước Diêm, do đó khi đoàn kiểm tra đến làm việc thì rất khó gặp được chủ cơ sở, chỉ gặp công nhân để hướng dẫn, giải thích, vận động. Thậm chí, một số cơ sở còn không phối hợp, có hành động “quá khích” khi đoàn đến kiểm tra...

Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của huyện Thuận Nam được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 23-9-2013 đã quy hoạch khu chế biến thủy sản tập trung tại thôn Lạc Tiến (xã Phước Minh, Thuận Nam) với diện tích 17 ha để di dời toàn bộ các cơ sở chế biến cá hấp trên địa bàn xã Cà Ná và Phước Diêm. Tuy nhiên, do còn khó khăn về nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, công trình xử lý chất thải đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường… nên chưa di dời toàn bộ cơ sở chế biến cá hấp của 2 xã nói trên về địa điểm mới.

Được biết, ngày 18-8 và 1-9-2016 vừa qua, UBND xã Cà Ná đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường và Phòng TN&MT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng công trình xử lý nước thải tạm thời phát sinh từ hoạt động chế biến cá hấp. Điều đáng tiếc là chỉ có 16/60 chủ cơ sở tham dự, còn lại 44 hộ tuy nhận được giấy mời nhưng vắng mặt. Qua đó cho thấy sự thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường của nhiều cơ sở chế biến cá hấp.

Theo lãnh đạo Phòng TN&MT huyện cho biết, sắp tới đơn vị sẽ tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở đã được tập huấn nêu trên, nếu các cơ sở không chấp hành theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ Môi trường thì tham mưu Chủ tịch UBND huyện xử phạt làm thí điểm. Đối với các cơ sở không tham gia tập huấn, đoàn kiểm tra sẽ phát tài liệu và tiếp tục hướng dẫn nội dung cho thời gian khắc phục, nếu không chấp hành thì tiến hành xử lý. Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sớm triển khai thực hiện Cụm công nghiệp chế biến thủy sản tập trung theo quy định đã được phê duyệt để có cơ sở di dời tất cả các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.