VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Để táo xanh Ninh Thuận trở thành “thương hiệu” mạnh!

(NTO) Tuy “bước chân” vào thị trường sau quả nho hàng thập kỷ nhưng quả táo xanh Ninh Thuận nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn bởi vị ngon, thơm, dòn…gần như là “của riêng” chỉ có ở vùng đất nắng khắc nghiệt của Ninh Thuận mà thôi. Đặc tính độc đáo khác của cây táo mà theo như nhiều lão nông cho biết là rất thích hợp khi trồng trên đất nho. Cho nên, thực tế khá lý thú là chỉ cần nhìn vào diện tích nho giảm hay tăng là có thể đoán biết được cây táo tăng hay giảm, ngoại trừ diện tích trồng mới!.

Táo xanh Ninh Thuận được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có trên 900 ha táo với sản lượng hàng năm không dưới 40.000 tấn để “bổ sung” vào thị trường trái cây cả nước, bình quân năng suất đạt trên 44 tấn/ ha/ năm. Theo tính toán của người trồng táo, thu nhập hàng năm từ cây trồng này không dưới 500 triệu đồng/ ha, chỉ đứng sau cây nho nhưng chi phí nói chung thấp hơn, mặc khác phụ phẩm của cây trồng này như cành, trái…khi cắt tỉa sẽ là món rất “khoái khẩu” của dê, cừu!. Cho nên, phần lớn “nhà” táo đều kết hợp chăn nuôi các giống đã nêu, không ít nhà nông nửa đùa, nửa thật rằng nuôi hai giống vật này phòng khi táo “nhũn” sẽ dành làm thức ăn, tránh lãng phí. Cây táo có mặt ở nhiều địa phương nhưng nhiều nhất vẫn là địa bàn Ninh Phước và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Những năm qua, hiệu quả của cây táo đã được xác định và từng bước đã xác lập được chổ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, khác với nho không đủ đáp ứng theo nhu cầu thị trường kể cả thời điểm chính vụ, ngược lại táo xanh Ninh Thuận nức tiếng là vậy nhưng cũng khó tránh khỏi “điệp khúc” được mùa mất giá!. Có thời điểm giá táo bán ra không đủ trả công thu hoạch. Khổ nổi, trái cây không thể…cầm giàn chờ giá được nên thường bị ép giá bởi các thương lái đóng hàng đi tiêu thụ các tỉnh…Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là chất lượng táo không đồng đều giữa các nhà vườn, mặc khác thiếu sự liên kết giữa những người trồng táo nên không chủ động khâu tiêu thụ mà hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái, “cho” giá bao nhiêu biết bấy nhiêu khi thu hoạch, thậm chí sản phẩm của mình làm ra bán ở đâu cũng không quan tâm…

Theo định hướng của tỉnh, đến năm 2020, diện tích táo toàn tỉnh đạt 1.200 ha, tăng trên 220 ha so với hiện nay. Vấn đề đặt ra là cùng với mở rộng diên tích cần gắn với ổn định đầu ra, và người trồng táo có “thực quyền” định đoạt giá cả sản phẩm làm ra!... Để làm được điều này, cùng với đổi mới công nghệ về giống táo mới có chất lượng cao hơn, phù hợp hơn với nhu cầu thị trường; quy trình kỹ thuật; công nghệ sau thu hoạch nhằm đa dạng hóa sản phẩm…thì rất cần có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến liên kết với các tổ, nhóm, hợp tác xã trồng táo ở các vùng sản xuất tập trung. Đặc biệt, cần có sự liên kết trực tiếp giữa các tổ, nhóm, hợp tác xã trồng táo với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, giảm tác nhân trung gian, qua đó nâng giá trị, nhất là đối với táo có chứng nhận “sạch”. Mặt khác, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, phát triển kênh phân phối được thực hiện trong sự phối hợp với các nhà phân phối lớn, đồng thời tổ chức các điểm bán hàng mang nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận…

Mong rằng người trồng táo trong tỉnh cần có nhận thức mới về sự gắn kết giữa sản xuất với thị trường như đã nêu trên. Có như vậy, táo xanh Ninh Thuận sẽ trở thành “thương hiệu” mạnh trên thị trường trong tương lai không xa.