Đến với những cánh đồng nho Ninh Hải

(NTO) Nhiều năm qua Ninh Thuận được biết đến không chỉ là vùng khô hạn nhất nước, với đặc trưng “nắng như rang, gió như phang”… mà còn bởi giống nho - cây đặc sản vốn thích hợp với vùng khí hậu đặc trưng đó mà không phải nơi nào cũng có được. Và đã có không ít người còn đặt cho Ninh Thuận tên gọi thân thương: thủ phủ của “nữ hoàng” nho!.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.200 ha nho, trong đó chủ yếu vẫn là giống nho đỏ (Red Cardinal), kế đến là giống nho xanh NH 01-48… thì Ninh Hải đã chiếm diện tích gần một phần ba với trên 381,5 ha, chỉ xếp sau huyện Ninh Phước có diện tích đứng đầu của tỉnh. Trong số này, nhiều nhất là xã Vĩnh Hải có 182 ha, xã Xuân Hải 86,5 ha, thị trấn Khánh Hải 71 ha và thấp nhất là xã Nhơn Hải 42 ha. Sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt trên 7.762 tấn, tuy nhiên do ảnh hưởng của nắng hạn nên năng suất giảm, bình quân chỉ đạt gần 18 tấn/ha vụ, thấp so với con số không dưới 25 tấn/ha vụ trước đây.

 
Nông dân Phạm Văn Hùng chăm sóc vườn nho của gia đình.  Ảnh: Mai Dũng

Điểm đến đầu tiên chúng tôi chọn là vùng nho trọng điểm Vĩnh Hải của huyện. Đây là một trong những địa phương của huyện có những cánh đồng nho lớn, tập trung chủ yếu tại thôn Thái An với diện tích trên 174 ha. Nho Vĩnh Hải luôn có sức hấp dẫn nhất là đối với du khách bởi sự hồn hậu, chân chất của “nhà” nho và hương vị ngọt thanh, màu sắc đẹp của những chùm nho chín mọng vốn được xem là riêng có của vùng đất này. Đây cũng là địa phương có hơn 80% hộ dân áp dụng phương pháp tiên tiến tưới nước tiết kiệm trên cây nho nhiều nhất của huyện với trên 150 ha/182 ha của toàn huyện. Theo lãnh đạo địa phương cho biết, nguồn nước tưới chính từ hồ Nước Ngọt dẫn về tưới khoảng 57 ha và thẩm thấu tạo thành mạch nước ngầm trong lòng đất cánh đồng thôn Thái An để nông dân đào ao, khoan giếng bơm tưới. Hiệu quả của phương pháp nói trên là đã tiết kiệm được 50% cả thời gian, lượng nước tưới và chi phí bơm tưới. Một số lão nông còn cho biết, tưới nước tiết kiệm hạn chế được cỏ dại, giảm thất thoát phân bón, giảm dịch hại, giúp cây trồng phát triển tốt… Đáng nói là giảm chi phí cho “đầu vào” khá lớn đồng nghĩa với tăng lợi nhuận. Từ cây nho đã cải thiện đáng kể đời sống của nhiều nông hộ nếu không muốn nói là nhiều hộ đã giàu lên từ giống cây đặc sản này. Ông Phạm Văn Hùng, một “nhà” nho có thâm niên thôn Thái An chia sẻ: Năm 1995, gia đình trồng 3 sào nho đỏ, trải qua nhiều bước thăng trầm của cây nho trên vùng đất này, với quyết tâm “bám trụ” đất và cây đã không phụ công người chăm sóc, đến nay gia đình ông đã có trên 1 ha nho, trong đó có hơn 9 sào được lắp hệ thống tưới phun tự động. Ông Hùng phấn khởi cho biết thêm: Phương pháp tưới phun nước tiết kiệm này rất hiệu quả, giúp gia đình ông giảm “một nửa” lượng nước tưới, tiền điện bơm nước và thời gian tưới so với trước kia, đồng thời còn tiết kiệm được công lao động. Ngoài ra, tưới tiết kiệm còn không gây ngập úng cục bộ, giữ được luống nho khô ráo, tăng độ xốp của đất nhằm giúp bộ rễ cây nho phát triển tốt... Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và chăm sóc tốt, đến nay diện tích nho của ông đạt năng suất bình quân trên dưới 2 tấn/sào/vụ, trừ chi phí đầu tư còn lãi trên 25 triệu đồng/sào/vụ. Điểm mới ở vùng nho Thái An là một số nhà vườn đã kết hợp phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu và tự tay “thu hoạch” những chùm nho chín thay vì chủ vườn cắt bán. Với cách phục vụ này đã ngày càng thu hút nhiều du khách đến “khám phá”, góp phần nâng giá trị sản phẩm nho cho người trồng. Ông Hùng nói vui: Nhờ cây nho mà kinh tế gia đình phát triển nên đối với nông dân chúng tôi cây nho đích thực là “bạn” thân thiết, lâu bền...

 
Nhiều du khách đến tham quan vườn nho tại thôn Thái An.Ảnh: Thanh Long

Thị trấn Khánh Hải hiện có 61 ha nho đỏ và 10 ha nho xanh, trong đó có hơn 41 ha nho đỏ đang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung tại 3 khu phố: Cà Đú, Khánh Sơn 1 và Khánh Sơn 2 với 16 nhóm liên kết. Mục đích của việc thành lập nhóm liên kết nhằm liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh nho, góp phần tạo thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu ra cho cây trồng. Ông Hồ Văn Nhứt (khu phố Cà Đú) chia sẻ: Ông bắt đầu trồng nho đỏ từ năm 1990 với diện tích chỉ 1 sào. Đến năm 2011, mở rộng diện tích lên 6 sào, nhờ Dự án QSEAP, ông được hỗ trợ giống nho kháng sâu bệnh tốt hơn và được tập huấn kỹ thuật trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP như hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hướng dẫn ghi chép sổ sách theo quy định, đồng thời còn được kỹ thuật viên tư vấn tại chỗ cho mỗi nhóm sản xuất,... nhờ đó năng suất đạt cao hơn trước kia nhiều, thu nhập của gia đình trên dưới 150 triệu đồng/năm cũng nhờ cây nho.

Có thể nói, Lễ hội Nho và Vang-Ninh Thuận 2016 sắp tới như một luồng gió mới đối với những người dân trồng nho ở Ninh Hải nói riêng và trong tỉnh nói chung, đây là dịp để nho Ninh Thuận được quảng bá, đưa tên tuổi của mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Tin tưởng rằng, với sự gắn bó, tâm huyết của người dân dành cho cây nho cùng với những hiệu quả kinh tế mà nho mang lại, trong tương lai không xa, nho Ninh Thuận sẽ ngày càng phát triển, góp mặt không chỉ trên thị trường trong nước mà còn cả trong khu vực...