Giải pháp phát triển các sản phẩm đặc thù

(NTO) Phát triển các sản phẩm đặc thù suy cho cùng là thực hiện công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng sản xuất tập trung tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong thời gian qua vẫn chưa đạt được như mong đợi do còn những hạn chế cần sớm khắc phục.

Tại Hội nghị Liên kết doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, để phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhìn nhận một thực tế: Hằng năm, toàn tỉnh sản xuất khối lượng lớn sản phẩm đặc thù, nhưng tiêu thụ thông qua kênh doanh nghiệp còn rất hạn chế. Cụ thể, nông dân trên toàn tỉnh mỗi năm sản xuất hơn 30.000 tấn nho, nhưng doanh nghiệp chỉ thu mua được gần 800 tấn, phần lớn còn lại bán trôi nổi ngoài thị trường, giá cả bấp bênh, khiến người sản xuất chịu thiệt thòi. Tình hình tiêu thụ các sản phẩm tỏi, táo, thịt dê, cừu… thông qua các doanh nghiệp cũng rất ít, đòi hỏi phải đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm đặc thù với khối lượng lớn trong thời gian tới.

 
Công nhân Trang trại Ba Mọi phân loại táo trước khi bán ra thị  trường.   Ảnh: V.M

Theo báo cáo của Sở Công Thương, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đặc thù trong thời gian qua là do sản xuất vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến “cung” vượt “cầu”, sản phẩm làm ra bị ép giá khiến người sản xuất dễ nản chí. Công tác liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, hàng hóa nông sản chưa xác định rõ về số lượng, chất lượng đối với thị trường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cung ứng. Một bộ phận nông dân chưa an tâm tham gia vào các tổ, nhóm, HTX, làm cho công tác liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc thù của tỉnh gặp khó khăn.

Trong khi đó, hoạt động quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý và một số nhãn hiệu hàng hóa cầm chừng, dẫn đến sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ dần mất thương hiệu trên thị trường. Ngay như công tác quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý nho cũng chỉ mới dừng lại ở việc cấp tem, nhãn cho các cơ sở, doanh nghiệp dán lên sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, hoạt động kiểm tra chất lượng được xem là rất quan trọng lại bị bỏ ngỏ, nên một số người đã trà trộn hàng kém chất lượng tung ra thị trường. Đó là chưa kể hầu hết 7 nhãn hiệu tập thể (táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc, rau an toàn An Hải, măng khô Bác Ái) chưa phát huy được tác dụng sau khi được bảo hộ, làm lãng phí công sức xây dựng thương hiệu.

 
Rau an toàn Văn Hải là nhãn hiệu tập thể tạo được uy tín trên thị trường.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng: Thời kỳ cạnh tranh kinh tế thị trường cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giao hàng đúng lúc, giá thành hợp lý. Tuy nhiên, một số hộ sản xuất cá thể không làm được điều này, mà phải có tổ chức “hành động tập thể” theo quy trình sản xuất chuỗi hàng hóa. Để hoạt động sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa, giải pháp hữu hiệu nhất là tạo sự liên kết sâu rộng, bền vững trong phát triển sản phẩm đặc thù. Người sản xuất phải tham gia vào các tổ hợp tác, HTX, sản xuất theo vùng tập trung để giảm chi phí đầu tư, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ; đồng thời, lựa chọn, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tạo sức cạnh tranh của sản phẩm. Vấn đề không kém phần quan trọng nữa là, nông dân phải chủ động nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm đặc thù của tỉnh. Đối với các đơn vị phân phối, cần tăng cường hỗ trợ người sản xuất về vật tư nông nghiệp, máy móc, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định đầu ra, tạo niềm tin cho nông dân an tâm mở rộng sản xuất; hướng dẫn, hỗ trợ họ thực hiện các quy trình kỹ thuật để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Tỉnh ta đang thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, thông qua chương trình hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm đặc thù một số doanh nghiệp đầu đàn đã thực hiện có hiệu quả. Tuy vậy, khối lượng hàng hóa doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ cho nông dân còn rất khiêm tốn. Với xu thế sản xuất đang ngày càng lớn mạnh, con đường hướng tới liên kết tiêu thụ các sản phẩm đặc thù đang rộng mở là thông điệp được đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra tại Hội nghị Liên kết nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực này.