Hỗ trợ doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc thù

(NTO) Các sản phẩm đặc thù của tỉnh đã khẳng định vị thế trên thị trường bởi chất lượng cao. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất manh mún của nông dân đang là hạn chế cản trở sự phát triển. Để nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng đặc thù, ngành chức năng đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân để tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Công ty TNHH TM - XD Đỉnh Lợi đứng chân trên địa bàn huyện Ninh Hải trước đây kinh doanh các mặt hàng nho, táo, tỏi, đã “chen chân” được vào hệ thống siêu thị Co.op, Big C, Lotte và các cửa hàng tiện lợi, nhưng sản phẩm bán dạng thô không nâng cao được giá trị gia tăng. Hiện nay, khi nhận được tài trợ từ Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp, công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất tỏi đen, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển toàn diện về mọi mặt. Anh Nguyễn Tấn, Giám đốc công ty, cho biết: Nhờ có sự hỗ trợ của tỉnh, hoạt động chế biến tỏi đen của công ty đã nâng cao được giá trị sản phẩm lên gấp đôi, thương hiệu công ty nâng lên và ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ với khối lượng lớn. Nhờ có đầu ra rộng, công ty đã mạnh dạn ký hợp đồng với 58 hộ dân mở rộng diện tích trồng tỏi từ 22 ha trước đây, tăng lên 25 ha hiện nay.

 
Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) chăm sóc cây táo.Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, nhìn nhận: Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân phát triển sản phẩm đặc thù đã khắc phục được tình trạng “mạnh ai nấy làm” kéo dài, hướng nông dân canh tác các mặt hàng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP để có sản phẩm đạt chuẩn cho doanh nghiệp thu mua và cung cấp ra thị trường. Tiêu biểu như từ sự giúp đỡ của Dự án Hỗ trợ Tam nông, Doanh nghiệp tư nhân SX-TM&DV Ba Mọi đã liên kiết với 5 tổ nhóm cùng sở thích trồng táo, nho với tổng diện tích 21 ha đã mang lại ích cho cả 2 phía. Để giữ vững chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp tập trung mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác táo, nho cho 82 hộ của 5 nhóm cùng sở thích. Với cách làm này, không những giúp doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn giúp các thành viên trong tổ, nhóm liên kết an tâm về đầu ra của sản phẩm.

Xác định để phát triển các sản phẩm đặc thù không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp, nên thời gian qua, Sở Công Thương đã tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiến thị trường, giải được bài toán “bế tắc” đầu ra sản phẩm. Đơn cử, Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín liên kết với các hộ nông dân nuôi khoảng hơn 3.000 con dê, cừu, ngoài ra còn thu mua thêm dê, cừu của nhiều hộ chăn nuôi khác trong tỉnh mới đủ số lượng cung cấp cho đối tác. Hiện nay, bình quân mỗi tháng cơ sở xuất ra thị trường 1.000 - 1.200 con. Số lượng dê, cừu cơ sở bao tiêu cho nông dân ngày càng nhiều, nhưng nhu cầu tiêu thụ của các bạn hàng truyền thống hạn chế, nên phạm vi liên kết chậm được mở rộng. Từ khi cơ sở được hỗ trợ tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu tại các thành phố lớn đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn. Hiện nay, sản phẩm dê, cừu của cơ sở có mặt ở 17 tỉnh, thành phố trong cả nước với khoảng 35 đại lý và nhà hàng tiêu thụ với số lượng 200-300 con/tháng. Để chủ động cung cấp sản phẩm cho đối tác, cơ sở đã liên kết với 170 hộ trong tỉnh nuôi dê, cừu, số lượng 10-20 con/hộ. Làm ăn ngày càng phát đạt, cơ sở hướng tới tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế bằng cách đầu tư vốn, con giống, nuôi theo hình thức vỗ béo.

 
Sản phẩm Măng tây xanh Ninh Thuận được các doanh nghiệp quảng bá đến người tiêu dùng. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan cho biết thêm: Nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản phẩm đặc thù, thời gian qua, Sở Công Thương đã làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp với các tổ, nhóm sản xuất. Thông qua Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp, đơn vị đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp liên kết với 66 nhóm cùng sở thích sản xuất các chuỗi dê, bò, cừu, nho, táo… Kết quả cả hai bên đều có lợi, nông dân được hỗ trợ một phần chi phí đầu vào, giá thu mua cao hơn thị trường 2-3%; doanh số bán ra của doanh nghiệp tăng 30%. Nhìn chung, các nhiệm vụ hỗ trợ đầu ra thực hiện trong thời gian qua đã khẳng định được vai trò của ngành chức năng trong phát triển chuỗi sản phẩm đặc thù. Nếu như trước năm 2012, việc kết nối về chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn mờ nhạt, thì từ năm 2013 đến nay các sản phẩm đặc thù của tỉnh được giới thiệu rộng rãi thông qua kênh xúc tiến thương mại. Qua đó, tạo cơ hội để doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng làm căn cứ xây dựng định hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng đắn.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động liên kết trong thời gian qua cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, không tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Theo Doanh nghiệp tư nhân SX-MT&DV Ba Mọi, khi tham gia vào chuỗi liên kết, doanh nghiệp muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tiêu thụ, nhưng một số hộ tự ý phá vỡ hợp đồng, gây tổn thất cho doanh nghiệp. Để tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong liên kết tiêu thụ sản phẩm đặc thù, ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khi có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.