Thế giới trong tuần

1. Các quan chức cao cấp của Trung Quốc và ASEAN đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc hoạt động của một đường dây nóng giữa các nhà ngoại giao cao cấp và nội dung bản tuyên bố chung về Bộ quy tắc ứng xử cho những đụng độ ngoài ý muốn trên biển (Code for Unplanned Encounters at Sea - CUES) sau cuộc họp hai ngày 15-16/8 tại thành phố Mãn Châu Lý thuộc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc.

Hai tài liệu này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tháng tới để đợi phê chuẩn.

Tại cuộc họp giữa các quan chức cấp cao lần thứ 13 về việc thực thi Tuyên bố ứng xử giữa các bên tại Biển Đông (DOC), các nhà lãnh đạo cũng đã đồng thuận trong việc hoàn tất dự thảo khung về Quy tắc ứng xử (COC) vào giữa năm tới.

Đây cũng là sự kiện lần đầu tiên đánh dấu mốc thời gian được đặt ra chính thức cho vấn đề này.

Tại cuộc họp báo, ông Lưu Chấn Dân vẫn lặp lại luận điệu lâu nay của Trung Quốc là muốn Biển Đông trở thành vấn đề nghị sự riêng của nội bộ giữa các bên khi đề nghị khai thác sâu thêm những nội dung của DOC để có căn cứ “tự tay chúng ta giải quyết các tranh chấp và ngăn ngừa sự can thiệp của bên ngoài”.

Trung Quốc và ASEAN đã ký kết DOC từ năm 2002 với nội dung kêu gọi giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và thông qua đối thoại trực tiếp giữa các nước có chủ quyền. Tuy nhiên điều mà nhiều người hy vọng là việc chính thức đạt được thỏa thuận về tính ràng buộc pháp lý của COC.

Các cuộc thảo luận về vấn đề này đã được khởi xướng từ năm 2013 nhưng cho tới nay vẫn đạt được rất ít tiến bộ vì sự miễn cưỡng kéo dài của Trung Quốc.

Tuy nhiên có thể thấy rõ là sau khi Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu tỏ ra quan tâm hơn tới DOC và hối thúc các bên thực hiện tuyên bố này.

2. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moskva ngày 17-8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Nga không vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cấm cung cấp vũ khí cho Iran, khi sử dụng các căn cứ quân sự của nước này để tiến hành không kích chống khủng bố ở Syria. 

Đề cập những toan tính của Washington cáo buộc Moskva đang vi phạm Nghị quyết 2231, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định “không có bất kỳ lý do gì” để nghi ngờ Nga vi phạm nghị quyết trên, bởi trong trường hợp này không hề có chuyện cung cấp, bán hoặc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh không quân Nga sử dụng máy bay chiến đấu cất cánh từ căn cứ quân sự Iran là có sự cho phép của Tehran và đây là một phần trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria, theo đề nghị của chính quyền hợp pháp ở quốc gia Trung Đông này.

Ngoại trưởng Nga Lavrov nêu rõ ở đây không có bất cứ điều gì cần phải bàn cãi, đồng thời kêu gọi chấm dứt những hành động kiểu “bới bèo ra bọ” đối với việc Nga sử dụng căn cứ quân sự tại Iran để tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng những hành động như vậy dường như đang nhằm đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế khỏi nhiệm vụ chính là phối hợp giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng Syria. Ông cũng chỉ trích Mỹ cho tới nay vẫn chưa thể phân biệt phe đối lập Syria với các nhóm khủng bố.