Thuận Nam "lách hạn" sản xuất vụ mùa

(NTO) Thuận Nam là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán trong gần 2 năm qua. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ngoài vụ đông–xuân phải ngừng sản xuất trên 1.200ha đất lúa thì vụ hè – thu toàn huyện không sản xuất được cây trồng nào do mọi nguồn nước đều cạn kiệt… Gần đây, nhờ có một số cơn mưa nên tình hình dần được cải thiện.

“Lách hạn” sản xuất vụ mùa

Theo báo cáo của Trạm Thủy nông huyện, tính đến đầu tháng 8-2016, các hồ như Tân Giang đã tích được hơn 7,7 triệu m3 nước, Sông Biêu tích trên dưới 2 triệu m3 nước…, dự báo có thể đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất vụ mùa. Đây quả là tín hiệu đáng mừng. Theo kế hoạch, huyện tổ chức sản xuất vụ mùa chính năm 2016 cho 3 xã: Phước Nam, Phước Ninh và Phước Hà (mở rộng kênh Bắc thuộc hệ thống sông Biêu) với diện tích 1.140ha, trong đó diện tích sản xuất lúa trên 906ha, còn lại là diện tích cây màu với trên 234ha. Cụ thể, xã Phước Nam 400ha (cây lúa 326ha, cây màu 74ha), xã Phước Ninh 680ha (cây lúa 520ha, cây màu 160ha) và xã Phước Hà 60ha lúa. Để bảo đảm cho vụ mùa thắng lợi và có thể bù lại một phần thu nhập do ngưng sản xuất vụ hè-thu, ngành chức năng của huyện khuyến cáo nông dân ngoài tập trung sản xuất đúng lịch thời vụ, cần chú trọng đến các loại giống như đối với cây lúa nên sử dụng các loại giống xác nhận, cho năng suất cao, thích hợp với từng vùng và từng loại đất. Cơ cấu giống lúa đưa vào sản xuất vụ mùa được đánh giá giống kháng hoặc ít bị nhiễm rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, giống ngắn ngày dễ chăm sóc, năng suất cao, chất lượng tốt. Hạt dài có các giống VNĐ 95-20, OM 4495, OM 4498, IR 64, OM 3536, KD 18, OMCS 2000. Hạt bầu tròn gồm ML 202, TH 41, ML 214, TH 6... Riêng đối với cỏ chăn nuôi-cây trồng “chủ lực” giúp nông dân “vượt hạn”, duy trì đàn gia súc nên sử dụng giống cỏ chủ lực VA06, cỏ voi và một số loại cỏ khác như: cỏ sả, cỏ Ruzi, các loại giống cỏ chịu hạn khác. Về thời vụ cần tranh thủ khi có mưa, độ ẩm trong đất phù hợp cho sinh trưởng, phát triển các giống cỏ, người dân triển khai trồng để đáp ứng nhu cầu nguồn thức ăn cho gia súc khi gặp thời tiết bất lợi... Điều cũng đáng nói là để “lách hạn”, ngay khi có mưa, huyện đã có kế hoạch tổ chức sản xuất vụ mùa sớm cho 2 xã Phước Hà và Nhị Hà với diện tích trên 600ha, trong số này cây lúa trên 520ha, các cây ngắn ngày như bắp, rau, đậu các loại trên 80ha, thời vụ xuống giống từ giữa tháng 7 đến dứt vụ vào cuối tháng, nâng tổng diện tích vụ mùa toàn huyện lên trên 1.740ha.

 
Nông dân xã Phước Nam làm đất chuẩn bị xuống giống vụ mùa.

Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu

Có thể nói biến đổi khí hậu đã dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết bất thường, nhất là hạn hán kéo dài làm xáo trộn sản xuất và đời sống người dân. Do vậy, để thích ứng cần có giải pháp căn cơ và một trong số đó được Thuận Nam thực hiện là chuyển đổi cây trồng vừa chịu được hạn, vừa ít sử dụng nước để tiết kiệm nguồn nước dành cho phát triển cây trồng và chăn nuôi vốn là thế mạnh của huyện. Chỉ tính trong vụ đông-xuân 2015-2016 vừa qua, toàn huyện đã chuyển đổi với tổng diện tích trên 600ha, đạt 95% so kế hoạch của huyện. Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, tạo niềm tin cho nông dân, phòng đã phối hợp với các địa phương chọn vùng sản xuất trên cơ sở nguồn nước tích tại các hồ đập, đồng thời phối hợp với các Trạm Thủy nông, Trạm Khuyến nông các xã Phước Hà, Nhị Hà, Phước Ninh, Phước Nam khảo sát vùng chuyển đổi và chọn đậu xanh (giống ĐX 208 của Công ty Giống cây trồng Nha Hố) làm cây trồng chủ lực trên đất lúa. Kết quả, toàn huyện đã gieo trồng 450ha đậu xanh, đạt 120% kế hoạch tỉnh giao (450/375ha). Trong đó, xã Phước Hà, Nhị Hà, Phước Ninh, mỗi xã xuống giống 100ha, riêng xã Phước Nam 150ha. Ngoài ra, còn chuyển trên 150ha trồng các loại cây màu khác như rau, cỏ, đậu các loại... Theo phân tích của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, bên cạnh hiệu quả kinh tế khi trồng cây đậu xanh trên đất lúa là làm tăng hiệu quả sử dụng đất (chỉ có 2 tháng đã cho thu hoạch, còn cây lúa thì đến hơn 3 tháng), năng suất bình quân đạt 8 tạ/ha, với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, trừ chi phí nông dân thu lợi nhuận gần 21 triệu đồng/ha, cao hơn gần 5,6 triệu đồng/ha so với lúa. Đáng ghi nhận là hiệu quả xã hội, đó là trong điều kiện hạn hán kéo dài lượng nước tại các ao, hồ trên địa bàn huyện không đủ nước để trồng lúa, do vậy, trồng cây đậu xanh đã tiết kiệm từ 75-80% lượng nước tưới so với trồng lúa. Hay nói khác hơn, với lượng nước tiết kiệm này có thể trồng được 3ha đậu xanh thay vì chỉ đủ tưới cho 1ha lúa!. Ngoài ra, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông thôn... Không những vậy, sau thu hoạch, nông dân còn tận thu được các phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc trong mùa nắng hạn và cải tạo đất. Ông Miêu Không, nông dân thôn Văn Lâm 1 (xã Phước Nam), phấn khởi cho hay: Vụ đông-xuân vừa qua, do tình hình khô hạn kéo dài nên gia đình đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng 4 sào đậu xanh. Vụ mùa năm nay, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp huyện, đồng thời gần đây có mưa, cùng với lượng nước cung cấp từ hồ Tân Giang nên gia đình vừa gieo 4,5 sào lúa. Không chỉ gia đình tôi, mà hầu hết các hộ nông dân trong xã đều cảm thấy rất phấn khởi và tin tưởng vào thắng lợi mà vụ mùa năm nay mang lại.

Hiệu quả là vậy, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, huyện Thuận Nam nhận rõ vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục như: Một số địa phương sản xuất chưa tập trung, việc lấy nước chưa có tổ chuyên khâu, một số hộ dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn, chưa mạnh dạn đầu tư nên chưa đạt được năng suất cao… Nguyên nhân chủ yếu là do năm đầu tiên thực hiện việc chuyển đổi cây trồng từ diện tích đất lúa sang trồng đậu xanh trên cùng một xứ đồng nên còn lúng túng cả trong chỉ đạo lẫn thực hiện của chính quyền địa phương...

Bằng quyết tâm và với những cách làm sáng tạo trong sản xuất, hy vọng nông dân huyện Thuận Nam sẽ thuận lợi và bội thu trong sản xuất vụ mùa này.