Nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Phát triển quỹ đất theo mô hình mới

(NTO) Nhằm quản lý và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất theo mô hình Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)... là yêu cầu cần thiết để đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà... Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT.

Phóng viên: Được biết ngày 29-6-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 226/QĐ-UBND về việc hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố vào Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Ninh Thuận trực thuộc Sở TN&MT. Đồng chí cho biết cụ thể hơn về vấn đề này.

Đồng chí Bùi Anh Tuấn
Giám đốc Sở TN&MT

- Đồng chí Bùi Anh Tuấn: Theo Quyết định 226/QĐ-UBND ngày 29-6-2016 của UBND tỉnh sau khi hợp nhất, thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận trực thuộc Sở TN&MT và 3 Chi nhánh trực thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận gồm: Chi nhánh Ninh Hải-Thuận Bắc đặt trụ sở làm việc tại huyện Ninh Hải; Chi nhánh Ninh Sơn-Bác Ái đặt trụ sở làm việc tại huyện Ninh Sơn và Chi nhánh Thuận Nam-Ninh Phước đặt trụ sở làm việc tại huyện Thuận Nam.

Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở TN&MT, có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng...

Phóng viên: Đồng chí cho biết, trách nhiệm của Sở TN&MT cũng như các địa phương trong việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh ra sao và đã tiến hành đến đâu?

- Đồng chí Bùi Anh Tuấn: Để Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận ổn định và đi vào họat động, Sở TN&MT đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết định của UBND tỉnh, cụ thể như sau:

Về kết quả triển khai quyết định: Để triển khai thực hiện Quyết định số 226/QĐ-UBND ngày 29-6-2016 của UBND tỉnh, ngày 21-7-2016 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1831/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng bàn giao và Tổ giúp việc thực hiện công tác bàn giao để triển khai thực hiện Quyết định Hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố vào Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận trực thuộc Sở TN&MT. Từ ngày 29-7 đến 3-8-2016, Hội đồng bàn giao đã tiến hành công tác bàn giao và đã có Báo cáo số 2922/BC-HĐBG ngày 15-8-2016 về kết quả bàn giao Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố vào Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận trực thuộc Sở TN&MT.

Về công tác tổ chức: Ngày 21-7-2016, Giám đốc Sở TN&MT đã ban hành Quyết định số 2612/QĐ-STNMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận. Chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận ban hành Quyết định thành lập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 3 Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất tại 3 huyện theo quy định; Ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các chi nhánh. Ngày 12-8-2016, Giám đốc Sở TN&MT có Tờ trình số 2920/TTr-STNMT về việc đề nghị bổ nhiệm Giám đốc và 2 Phó Giám đốc Trung tâm; đồng thời, đã ban hành Văn bản số 2905/STNMT-VP ngày 12-8-2016 và Văn bản số 2860/STNMT-VP ngày 15-8-2016 về việc thỏa thuận bổ nhiệm Giám đốc và các Phó Giám đốc các Chi nhánh và Trưởng, phó các phòng chuyên môn của Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận. Đến nay, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận đã ban hành các quyết định bổ nhiệm.

Về công tác chuyên môn: Sở TN&MT đã xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Ninh Thuận và Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất với Phòng TN&MT, UBND cấp huyện, cơ quan tài chính và các cơ quan khác có liên quan, gửi lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và đã tổng hợp trình Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND tỉnh ban hành theo quy định. Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố bàn giao toàn bộ kế hoạch, nhiệm vụ đang thực hiện sang Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận để tiếp tục thực hiện. Tại cuộc bàn giao, Giám đốc Sở TN&MT đã chỉ đạo cho Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận phải triển khai thực hiện ngay việc bồi thường, giải phóng mặt bằng mà Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thành phố đang thực hiện, không để công việc bị gián đoạn.

Phóng viên: Theo đồng chí, khi Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Thuận đi vào hoạt động, bước đầu sẽ có thuận lợi hoặc khó khăn gì không? Tính hiệu quả ra sao so với nhiều cấp trước đây?

- Đồng chí Bùi Anh Tuấn: Việc hợp nhất các Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp là để tinh gọn bộ máy, chuyên môn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ tốt công tác quản lý đất đai, các kế hoạch thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện, thành phố thuộc tỉnh. Đồng thời, thực hiện nhanh và có hiệu quả nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm, cấp bách; việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quản lý quỹ đất sạch, thực hiện đấu giá đất quyền sử dụng đất được thuận lợi và tập trung. Hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, bảo đảm việc triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của địa phương theo đúng kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm theo nhiệm vụ chính trị của địa phương; đội ngũ viên chức và người lao động được điều động, sử dụng linh hoạt giữa các địa bàn để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lao động hiện có, dễ dàng điều tiết, quản lý và làm việc hiệu quả hơn... Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn không ít khó khăn như: Về trụ sở làm việc và kho lưu trữ hồ sơ: Hiện nay, Trung tâm quỹ đất Ninh Thuận và các Chi nhánh phòng làm việc chật chội, điều kiện làm việc thiếu thốn, không có kho lưu trữ hồ sơ. Về trang thiết bị máy móc, phương tiện làm việc tại các Chi nhánh chưa đầy đủ hoặc quá cũ, lạc hậu cần bổ sung, thay thế. Bên cạnh đó, do khối lượng công việc không ổn định nên thu nhập bình quân của viên chức và người lao động rất thấp, chủ yếu hưởng lương theo hệ số dẫn đến việc đào tạo sử dụng nguồn nhân lực gặp nhiều khó khăn, khó phát triển.

Nói về hiệu quả thì việc kiện toàn, hợp nhất các Trung tâm Phát triển quỹ đất như đã nói trên là một yêu cầu tất yếu khách quan, để đảm bảo hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, viên chức có đủ năng lực, trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Việc hợp nhất này còn nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất trên phạm vi toàn tỉnh. Là mô hình tập trung, thống nhất, do đó việc tổ chức thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất, những vấn đề vướng mắc tại cơ sở trước đây chậm được phản ánh, chậm được giải quyết, thì nay những vướng mắc này được phản ánh trực tiếp về Trung tâm quỹ đất Ninh Thuận và được trực tiếp giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết.

Phóng viên: Cảm ơn đồng chí đã cung cấp cho bạn đọc Báo Ninh Thuận những thông tin bổ ích này.