Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ những quán hàng rong

(NTO) Dạo quanh Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, chúng tôi dễ nhìn thấy các quán hàng rong tập trung xung quanh khu vực bệnh viện, bãi biển, Quảng trường 16 Tháng 4 hay trước cổng các trường học. Theo quan sát của chúng tôi, dụng cụ hành nghề của các hàng rong khá đơn giản bao gồm chiếc xe đẩy tự chế, bếp ga mini và một cái chảo. Các mặt hàng được bày bán khá đa dạng về chủng loại từ trái cây dằm, nước ngọt, sữa, bánh kẹo, bánh tráng trộn cho đến các loại thực phẩm chế biến tại chỗ như xúc xích, cá viên chiên, xôi chiên... Phần lớn thức ăn hàng rong đều không hợp vệ sinh, bởi được bày bán ngay bên đường, không được che đậy; nhiều loại bánh kẹo, thạch rau câu, ô mai không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng; không đủ nước sạch khi chế biến, rửa dụng cụ, điều kiện vệ sinh cơ sở… Không chỉ thế, người chế biến thức ăn không hề đeo găng tay mà sử dụng tay trần để chế biến, thậm chí nhiều hàng quán còn vô tư bày bán đồ ăn ngay nơi tập kết rác thải… trông rất mất vệ sinh. Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP nhưng nhiều người vẫn làm ngơ, không quan tâm đến chất lượng, sẵn sàng thưởng thức. Em Đặng Thảo Nguyên (phường Tấn Tài) chia sẻ: Mỗi lần đi học thêm mẹ đều cho em vài ngàn đồng để mua thức ăn vặt. Dù biết những thức ăn hàng rong không đảm bảo vệ sinh nhưng vì tiện lợi, giá cả khá mềm nên bọn em thường xuyên mua ăn.

 
Hàng rong lấn chiếm lòng lề đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP.

Tầm khoảng 4 giờ chiều, cửa hàng “di động” của chị Bé lại rong ruổi trên các nẻo đường, sẵn sàng phục vụ nhu cầu khách hàng. Với những viên cá, khúc xúc xích… được chị khéo léo xiên thành từng que sẵn. Có khách đến mua hàng, chị nhanh tay lật qua lật lại từng que chiên trên chảo dầu đen quánh, sau đó gắp ra cho vào hộp xốp rồi cho tương xay, tương ớt vào đưa cho khách. Theo tìm hiểu, để tăng lợi nhuận, đa số các chủ hàng rong đều sử dụng dầu cũ chiên đi chiên lại nhiều lần, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.

Có thể thấy, vì tính chất “di động” của hàng rong, nên việc kiểm tra chất lượng ATVSTP còn gặp nhiều khó khăn. Hàng rong là loại thức ăn đường phố, nhưng cho đến nay các cơ quan chức năng chỉ quản lý được các cơ sở có cửa hàng cố định, còn hàng ăn lưu động thì hầu như chưa thể kiểm soát. Mặt khác, những gánh hàng, xe hàng rong xuất hiện tự phát, theo thời điểm, không đăng ký kinh doanh, nay chỗ này mai chỗ khác nên gây khó khăn trong việc quản lý. Trước những nguy cơ tiềm ẩn mất ATVSTP, một số trường học, cơ quan đã treo biển cấm bán hàng rong, tăng cường tuyên truyền nhắc nhở học sinh không nên dùng các loại thực phẩm bán rong trước cổng trường… Tuy nhiên những biện pháp này chỉ mang tính chất tạm thời, chế tài chưa đủ mạnh để giải quyết triệt để. Do đó, để giảm nguy cơ ngộ độc từ những thức ăn hàng rong, mỗi người cần lựa chọn cho mình những món ăn và nơi ăn uống hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt, mang tính răn đe hơn nữa nhằm ngăn chặn và xử lý những quán hàng rong vi phạm ATVSTP.