Hôm nay (21/8), trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ ĐKXT đợt 2

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, bắt đầu từ hôm nay (21/8), các trường ĐH, CĐ chưa tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2. Trước đó, hàng loạt trường đã công bố thông tin điểm nhận hồ sơ và chỉ tiêu tiếp tục xét tuyển.

Hàng loạt trường “hot” tiếp tục tìm kiếm thí sinh

Thời gian nhận đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 (nguyện vọng bổ sung đợt 1) từ ngày 21/8 đến hết ngày 31/8 năm 2016.

Điều bất ngờ sau đợt 1 xét tuyển là nhiều trường top đầu, thường tuyển đủ ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên, năm nay đều công bố tiếp tục tuyển nguyện vọng 2; trong đó có cái tên rất “hot” như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Ngoại thương... Thậm chí có trường hạ điểm chuẩn để có thể lấy đủ thí sinh.

Với Trường ĐH Y Hà Nội, năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử trường, ngành Y đa khoa – ngành năm 2015 thí sinh bình quân 9 điểm cũng không đỗ - không tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1.

Có thể thống kê: Trường ĐH Y Hà Nội tuyển bổ sung 206 chỉ tiêu cho 8 ngành đào tạo với mức điểm nhận hồ sơ từ 20,25 trở lên. Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh tuyển 402 chỉ tiêu cho 12 ngành, mức điểm nhận hồ sơ thấp nhất là 18 điểm. Trường ĐH Y Thái Bình cũng còn khá nhiều chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu còn nhiều nhất đồng thời rơi vào ngành “hot” nhất – Y đa khoa… Nhiều trường ĐH khối Y dược khác cũng công bố tuyển đợt 2 với hàng ngàn chỉ tiêu.

Trường ĐH Ngoại thương thông báo tuyển bổ sung ngành Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Kinh doanh quốc tế ở cơ sở Quảng Ninh với chỉ tiêu dự kiến là 200, mức điểm nhận hồ sơ khá thấp, chỉ từ 18 điểm.

Rất nhiều trường top đầu, các trường công lập có truyền thống thu hút hút sinh cũng chưa tuyển đủ ở đợt 1 và tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày hôm nay như: Trường ĐH sư phạm Hà Nội, Trường ĐH sư phạm Hồ Chí Minh, Học viện báo chí và tuyên truyền, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh… Có thể nói, cơ hội của thí sinh ở đợt xét tuyển này còn rất lớn.

Trường được hạ điểm trúng tuyển

Trường chỉ sửa những nội dung trường nhập sai so với Phiếu ĐKXT của thí sinh. Các lỗi do thí sinh đăng ký sai trường không có trách nhiệm phải sửa (để không vi phạm vào quy định: sau khi nộp ĐKXT, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng).

Nếu như năm 2015, điểm trúng tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước thì năm 2016, các trường quyết định điểm trúng tuyển phù hợp với tình hình thực tế của công tác xét tuyển.

Điều đó có nghĩa là các trường được quyền hạ điểm trúng tuyển. Thí sinh cần hết sức lưu ý quy định này để đưa ra quyết định phù hợp, tránh tình trạng "đứng núi này, trong núi nọ" dẫn đến không trúng tuyển trường nào.

Theo quy định, trong các đợt xét tuyển đợt bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.

Thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc bằng phương thức trực tuyến hay theo phương thức khác do trường quy định đáp ứng yêu cầu của quy chế.

Các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển nguyện vọng 2 trước ngày 5/9 và trước 17 giờ ngày 7/9, thí sinh phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học để xác nhận sẽ học tại trường. Nếu thí sinh nộp giấy này qua đường bưu điện, thời gian sẽ tính theo dấu bưu điện.

Bắt đầu từ 11/9, các trường còn chỉ tiêu sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 3. Thời gian xét tuyển đợt này kéo dài đến hết ngày 21/9. Kết quả đợt này được công bố trước ngày 24/9… Thời hạn cuối cùng xét tuyển của ĐH là 20/10 và của cao đẳng là 15/11.

Những lưu ý đặc biệt với thí sinh

Cũng tương tự như đợt 1, ở đợt này, chậm nhất 2 ngày sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển (nếu nộp bằng đường bưu điện, thời gian được xác định theo dấu bưu điện), thí sinh phải xác nhận việc học tại trường bằng cách nộp cho trường bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi.

Thí sinh không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi, coi như không có nguyện vọng học và sẽ không được gọi nhập học. Kể cả thí sinh chỉ trúng tuyển 1 trường cũng phải xác nhận việc nhập học tại trường.

Do năm nay không được điều chỉnh thông tin đã đăng ký nên thí sinh phải cân nhắc hết sức cẩn thận khi đăng ký. Cơ sở để xác định nguyện vọng là kết quả thi, nguyện vọng của bản thân, so sánh phổ điểm năm 2016 và 2015 và điểm trúng tuyển vào các ngành năm 2015

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước mỗi đợt xét tuyển các trường phải công bố công khai cách xét giữa các tổ hợp trong mỗi ngành dùng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển. Thí sinh căn cứ vào thông tin này để chọn tổ hợp môn thi có lợi nhất để đăng ký xét tuyển.

Mặc dù cần cân nhắc cẩn thận trước khi đăng ký, tuy nhiên thí sinh không nên chờ đến cuối đợt mới đăng ký vì năm nay thí sinh có thể đăng ký nhiều trường nên thông tin về ĐKXT ở mỗi trường sẽ không có nhiều giá trị để tham khảo như năm 2015.

Trường hợp bị mất Giấy chứng nhận kết quả thi, thí sinh cần liên hệ với trường đại học chủ trì cụm thi làm đơn xin trường xác nhận. Trường sẽ cấp cho thí sinh 1 Giấy chứng nhận kết quả thi "được cấp lại" (có dấu đỏ của trường và được ghi là "bản cấp lại").

Khi được cấp giấy này, bản chính sẽ không còn giá trị và hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia sẽ thông báo cho trường thí sinh đăng ký xét tuyển để trường biết và chỉ nhận Giấy chứng nhận kết quả thi được cấp lại.

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại