Những người canh giữ hải đăng

(NTO) Hải đăng Mũi Dinh là một trong những ngọn hải đăng có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam, được người Pháp xây dựng năm 1904 trên ngọn núi cao khoảng 300m so với mặt biển. Do nằm cheo leo giữa sườn núi và biển nên nhìn từ xa, nó thật heo hút và chênh vênh. Thân hải đăng được xây bằng đá granit, cao khoảng 16m. Đây có lẽ là ngọn hải đăng có tọa độ địa lý gần hải phận quốc tế nhất của Việt Nam, có tác dụng chỉ vị trí Mũi Dinh, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Ninh Thuận-Bình Thuận định hướng và xác định vị trí của mình.

Trước đây, muốn đi đến Hải đăng Mũi Dinh, ta phải đi bộ qua một cồn cát dài hun hút, sau đó đi theo con đường rải sỏi nhỏ xuống chân núi, băng qua một xóm nhà nhỏ của những người dân chài, leo lên một con dốc đứng, thở dồn thêm mấy bận hụt hơi thì đến được nơi cần đến. Từ ngày có con đường ven biển, việc đến với Hải đăng Mũi Dinh đơn giản hơn nhiều, cứ đi thẳng hướng Bắc-Nam đến hết đoạn đường đôi, nhìn bên trái ta sẽ thấy một bảng chỉ đường sơn màu trắng trên vách đá lớn với dòng chữ “HẢI ĐĂNG MŨI DINH”, phía bên phải đường là hai cái quán nước nhỏ, một chiếc xe Jeep và một chiếc máy cày loại nhỏ, đó là nơi ta có thể đến hải đăng một cách dễ dàng nhất.

 
Hải đăng Mũi Dinh thuộc xã Phước Dinh (Thuận Nam - Ninh Thuận) cách Tp. Phan Rang- Tháp Chàm 45km, nằm trên một ngọn núi khá hẻo lánh.
Để ra đây bạn vượt qua một đồi cát dài trong thời tiết nắng gắt nhưng khi tới nơi bạn sẽ không hối hận vì khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp.
Hải đăng nằm chót vót trên ngọn núi Mũi Dinh cách mặt nước biển gần 180m. Hải đăng Mũi Dinh nhỏ nhắn nằm lặng lẽ giữa biển trời,
âm thầm làm việc suốt bao năm qua trong đêm tối để soi đường, định hướng cho tàu bè ngoài khơi
và nó càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong những ngày giông bão. Ảnh: V.M

Cái quán được che bằng mấy tấm bạt ny-lon cũ, nằm nép mình dưới dãy núi cao, mặt nhìn ra biển, dáng bình yên đến lạ. Bên trong quán chỉ tuềnh toàng một dãy bàn và vài cái ghế nhựa, một chiếc tivi nhỏ được cắm với cái bình ắc-quy vì nơi này chưa có điện lưới quốc gia.

Chủ quán là một cô gái nhỏ, nhìn tưởng chừng 18, 19 tuổi, miệng luôn tươi cười, dáng vẻ xinh tươi.

- “Ở đây có bán cà phê không cháu”, người lữ khách hỏi.

- “Dạ có ậy”, cô bé trả lời với chất giọng đậm đặc của người dân miền biển. “Cho chú một ly cà phê đen nhé”, cô bé nhanh nhẹn pha cho khách ly cà phê đựng trong cái chai không biết đã pha từ lúc nào.

Từ vị trí ngồi của người lữ khách nhìn ra biển, có thể thấy rõ con dốc đi lên ngọn hải đăng, tuy nhiên chỉ thấy được cái eo phía chân dốc chứ không thấy được ngọn hải đăng. Nó nằm xa xa phía bên kia của cồn cát, lấp lóa dưới ánh mặt trời bởi những tấm bê-tông xi măng đã được tu bổ trong những dạo gần đây.

Nhìn tấm bảng chỉ đường trên vách đá, lữ khách hỏi cô gái: “Làm cách nào để đi lên ngọn Hải đăng hả cháu?”. “Dạ, có 2 cách”, vẫn cái chất giọng chân chất ấy của người miền biển, cô gái trả lời: -“Nếu đi một mình, chú có thể thuê xe máy vượt qua cồn cát tới chân dốc rồi đi bộ lên hải đăng. Nếu đi đông người, chú có thể thuê xe mày cày chở đi đến tận nơi. Từ đây, băng qua cồn cát, đi xuống làng chài và lên đến hải đăng khoảng 3 cây số”.

“Ồ vậy à!”-tỏ vẻ thích thú lữ khách thốt lên. “Vậy mấy ông canh giữ hải đăng có hay xuống quán cháu chơi không?”-người đàn ông hỏi.

“Dạ, ba con làm trên đó ậy”- cô bé cười cười nói trong thích thú pha lẫn tự hào. Câu trả lời đó đã làm cho người lữ khách thực sự tò mò, ông nghĩ ngay đến một câu chuyện tình và bắt đầu những câu hỏi của mình. “Chú cứ nghĩ như những câu chuyện mình từng đọc qua, những người canh giữ hải đăng thường là những người đàn ông cô độc, sống tách biệt với thế gian và không có gia đình”.

Cô bé bật cười, tay nhanh nhẹn bào mấy quả khổ qua, miệng bắt đầu kể về mối tình của cha mẹ mình. “Ba con ở quài Bắc ậy, ổng dzô đây làm ba mươi mấy năm rầu…”. Đó là một câu chuyện tình của người đàn ông canh giữ đèn và cô gái bán cá ở xóm chài nghèo ven biển. Và cũng không phải chỉ có một mối tình đó, mà cả mấy người canh giữ Hải đăng đều vậy. Ở Hải đăng Mũi Dinh, có 4 người, ngoài Trạm trưởng là người địa phương ra, thì cả 3 người còn lại đều ở nơi khác đến và cũng lấy vợ ở xóm chài này. Họ thay phiên nhau trực hải đăng, mỗi tháng mỗi người có 5 ngày phép, đó là những ngày họ được ở gần vợ con. Cô gái kể rất nhiều về cuộc sống của người canh giữ hải đăng, về nhưng du khách đi phượt ngủ lại trạm Hải đăng Mũi Dinh… Thỉnh thoảng trong những lời kể, cô bé hay chêm từ “ậy” nghe thật vui tai.

Cuối câu chuyện, người lữ khách hỏi thêm: “Ba con có mấy người con?”. “Dạ có 3 người con trai ậy”-cô bé trả lời. “Và con là con gái?”-người đàn ông hỏi lại. “Dạ ba chồng con, con là con dâu”. Câu trả lời làm người đàn ông té ngửa. “Ủa, con mới mười mấy tuổi mà có chồng rồi hả?”. “Dạ con 25 tuổi rầu, ai cũng hỏi như chú hết ậy”.

Ha ha ha, người đàn ông cười lớn và kêu cô bé tính tiền, chào cô bé rồi bước ra xe, trong lòng thầm nghĩ: Cầu mong chồng cháu nối nghiệp cha, tiếp tục làm người canh giữ hải đăng, tiếp tục chỉ đường cho những con tàu ngược xuôi trên biển cả, để nối tiếp những cuộc tình giữa anh chàng canh giữ hải đăng và cô gái làng chài.