Định hướng phát triển Ngành Nông nghiệp

(NTO) Ninh Thuận có đặc điểm khí hậu nắng nóng, nhưng lại thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù có năng suất, chất lượng cao, quy mô, diện tích lớn và sản xuất được quanh năm.

Nhằm tạo ra thời cơ và động lực phát triển mới trong giai đoạn tới, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận 2016, tỉnh ta đã lập danh mục 57 dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016 -2020; trong đó, lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn có 5 dự án. Ngoài ra, tỉnh còn lập danh mục 27 dự án khác thuộc lĩnh vực Nông nghiệp-thủy lợi vận động nguồn vốn ODA, vốn viện trợ Phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2016 – 2017, để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư khai thác lợi thế này.

Cây nho cho giá trị kinh tế cao bảo đảm đời sống nông dân vùng chuyên canh cây đặc sản trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 73.227 ha đất sản xuất nông nghiệp. Với tiềm năng đất có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp còn lớn và hơn 20 công trình thủy lợi đã được đầu tư, trong giai đoạn tới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh được xác định phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch mạnh cơ cấu nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đi cùng đó là việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới…

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2020, cụm ngành Nông nghiệp đóng góp khoảng 29% cho GRDP của tỉnh và giải quyết 29% lao động xã hội. Do vậy, trong định hướng phát triển, kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá; trong đó, trọng tâm là tập trung phát triển mạnh các loại cây trồng đặc thù có giá trị cao như nho, với diện tích khoảng 2.000 ha, cây táo khoảng 1.200 ha... Mặt khác, tỉnh còn đẩy mạnh việc cơ giới hóa gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng tiết kiệm nước, phù hợp với điều kiện của từng vùng, tiểu vùng, với tổng diện tích chuyển đổi khoảng 7.200 ha; xây dựng vùng trồng lúa chuyên canh đạt chất lượng xuất khẩu, với diện tích khoảng 18.600 ha, trong đó diện tích sản xuất 2-3 vụ/năm khoảng 11.000 – 12.000 ha… Trước mắt, trong năm 2016 phấn đấu chuyển đổi ít nhất 1.200 ha để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến nâng cao giá trị sản xuất đạt trên 125 triệu đồng/ha đất canh tác; đồng thời tiến đến hình thành vùng trồng cây thực phẩm nông sản sạch để cung cấp cho thị trường đô thị lớn trong nước.

Các lĩnh vực như sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đặc thù mà tỉnh có lợi thế và chế biến sản phẩm từ nông nghiệp như nho, thịt gia súc…; phát triển cây neem phục vụ cho công nghiệp chế biến phân bón và thuốc trừ sâu sinh học; phát triển cây cao su ở vùng núi phía Tây thuộc 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái để chống sa mạc hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, độ che phủ rừng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang là lĩnh vực được tỉnh khuyến khích, kêu gọi đầu tư.

Ngành chăn nuôi là thế mạnh kinh tế nông nghiệp của tỉnh với các loại gia súc đặc thù như bò, dê, cừu. Ảnh: Sơn Ngọc

Ngoài ra, hiện Ninh Thuận còn có hơn 2/3 diện tích đất tự nhiên đồi núi, đất trống chưa sử dụng là thuận lợi cơ bản để phát triển mạnh ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của tỉnh với các loại gia súc đặc thù như bò, dê, cừu. Trong những năm tới, Ninh Thuận tập trung phát triển toàn diện để đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất theo mô hình trang trại tập trung, gắn với công nghiệp chế biến. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ sinh hóa đàn bò đạt trên 50%; đàn dê, cừu được lai giống mới đạt trên 90% và tỷ lệ nạc hóa đàn heo trên 90%. Đặc biệt, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết định đầu tư các trung tâm giống có năng suất, chất lượng cao tại Ninh Thuận, như Dự án sản xuất giống cây trồng tại Sơn Hải (huyện Thuận Nam) sẽ là thuận lợi lớn cho việc phát triển ngành trồng trọt của tỉnh trong tương lai.

Với khát vọng phát triển và truyền thống mến khách, Ninh Thuận sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến với Ninh Thuận, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án của mình.