Tiềm năng phát triển Ngành Thủy sản

(NTO) Trong hành lang tuyến biển của nước ta, Ninh Thuận là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế về địa lý để phát triển ngành Thủy sản. Với bờ biển dài trên 105 km và có thể khai thác quanh năm, ngư trường Ninh Thuận được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, với tổng trữ lượng hải sản tương đối lớn, khả năng khai thác khoảng 50.000 tấn/năm; trong đó, có nhiều hải sản giá trị kinh tế cao, phục vụ tốt cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Về nuôi trồng, vùng biển Ninh Thuận là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản đặc thù, có nguồn giống bố mẹ dồi dào và môi trường nước biển trong sạch, là địa bàn lý tưởng để sản xuất các loại giống có chất lượng cao, nhất là tôm giống và ốc hương giống. Hiện nay, sản lượng sản xuất tôm giống của tỉnh đã đạt hơn 19 tỷ con tôm post/năm.

Xã Nhơn Hải (NInh Hải) thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc

Điểm đáng chú ý, đó là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn Ninh Thuận để quy hoạch xây dựng Trung tâm sản xuất và kiểm định tôm giống chất lượng cao của cả nước. Từ khi dự án được triển khai đến nay, có rất nhiều nhà đầu tư đã và đang đến Ninh Thuận đăng ký xây dựng các trại sản xuất tôm giống cung cấp cho khu vực và cả nước, như: Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc đã đầu tư sản xuất 2 tỷ con post/năm; Công ty TNHH Uni-President đầu tư sản xuất 2,1 tỷ con post/năm; Công ty TNHH giống Thủy sản Nam Dương đầu tư sản xuất 9 tỷ con post/năm; Công ty TNHH giống Thủy sản Hisenor Việt Nam đầu tư sản xuất 3 tỷ con post/năm...

Ngoài ra, hiện Ninh Thuận còn đang sở hữu nhiều thuận lợi để phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng: Cà Ná, Ninh Chử, Đông Hải, Mỹ Tân..., đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Trong đó, Cảng cá Cà Ná đang được đầu tư trở thành Trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực; cảng Ninh Chử được xây dựng thành nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền khu vục miền Trung. Các cảng cá trên đều đảm bảo thu hút và cung cấp nguyên liệu hải sản cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện phát triển các dịch vụ.

Để phát huy lợi thế vùng đất có nhiều thuận lợi về sản xuất giống thủy sản, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận 2016, dự kiến tỉnh sẽ tổ chức khởi công Dự án Trung tâm Sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ thế hệ 3G do Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc làm chủ đầu tư. Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư một số dự án sản xuất giống thủy sản chất lượng cao tại các xã An Hải (Ninh Phước), Nhơn Hải (Ninh Hải) và phát triển nghề nuôi tôm thịt gắn với công nghiệp chế biến xuất khẩu; đẩy mạnh nghề khai thác hải sản xa bờ... Mục tiêu đến năm 2020 đưa sản lượng tôm giống đạt trên 36 tỷ con post; diện tích tôm thả nuôi đạt từ 1.100 – 1.200 ha; sản lượng tôm thương phẩm đạt trên 12.000 tấn; sản lượng khai thác hải sản ổn định từ 70.000-75.000 tấn/năm; tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị kinh tế cao chiếm trên 20%, sản lượng khai thác ở vùng khơi, xa bờ chiếm 65% tổng sản lượng khai thác, trong đó có trên 60% nguyên liệu được đưa vào chế biến...

Với những tiềm năng, lợi thế vốn có, đi kèm chính sách thông thoáng, ưu đãi của tỉnh, tin rằng sẽ tạo cơ hội mới cho các nhà đầu tư có thiện chí đến với Ninh Thuận. Đây là môi trường đầu tư thuận lợi nhất để sinh lợi cho các doanh nghiệp, là cơ hội lớn để Ninh Thuận cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển, xây dựng và đưa thương hiệu tôm giống Ninh Thuận trở thành trung tâm giống thủy sản chất lượng cao của cả nước trong thời gian tới.